
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết và các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên ở một số cơ sở đào tạo còn có những bất cập và hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và dân sự.
Quá trình tổ chức và thực hiện nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở một số cơ sở đào tạo chưa đúng với quan điểm chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên. Sự vận dụng, quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các cơ sở đào tạo chưa thống nhất; hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong Quân đội chưa được chú trọng đúng mức nên hiệu quả chung tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Quân đội còn hạn chế.
Cụ thể là: Công tác tuyển sinh còn thiếu chặt chẽ, chưa bảo đảm được sự công khai, minh bạch, nhất là các đối tượng cử tuyển, các đối tượng chính sách xã hội. Trong đào tạo, quy mô đào tạo ở một số cơ sở đào tạo đã mở rộng vượt quá khả năng và năng lực đào tạo hiện có dẫn đến một số bộ môn quá tải, tỷ lệ học viên trên nhà giáo vượt quá quy định; cường độ giảng dạy của một bộ phận nhà giáo còn lớn. Cá biệt, có trường quá nhiều học viên dân sự gây quá tải trong công tác giảng dạy, ảnh hưởng tới chất lượng học viên quân sự. Việc biên soạn giáo trình và tài liệu giảng dạy cho học viên dân sự chưa được chú trọng đúng mức, có trường hợp còn sử dụng chương trình, tài liệu giảng dạy cho học viên quân sự để giảng dạy cho học viên dân sự; việc đánh giá kết quả thi, kiểm tra ở một số nội dung, một số đối tượng chưa chặt chẽ.
Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học chậm được cụ thể hoá và tổ chức triển khai ở các cơ sở đào tạo. Vì vậy, việc thực hiện liên kết, hợp tác về nghiên cứu khoa học và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa nhà trường với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội ở một số cơ sở đào tạo còn hạn chế; có lúc, có nơi còn vì lợi ích kinh tế đơn thuần mà chưa chú ý hoặc chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích chung của xã hội nên việc liên kết đào tạo thiếu chặt chẽ. Quy mô đào tạo được mở rộng nhưng các yếu tố bảo đảm cho hoạt động giáo dục và đào tạo chưa tương xứng nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Chưa tạo và phát huy được cơ chế phối kết hợp giữa lực lượng nghiên cứu ở các viện và nhà trường với nhau. Một số cơ sở đào tạo chưa nhận thức đúng về vị trí, nhiệm vụ, khả năng nghiên cứu khoa học nên chưa có sự chỉ đạo và đầu tư thích đáng; do đó, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; nội dung nghiên cứu chưa thật toàn diện và đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở đào tạo; đầu tư các mặt để xây dựng, tạo nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo, chính sách... cho nghiên cứu khoa học còn bất cập. Số lượng, chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà giáo và học viên dân sự còn hạn chế.
Tính năng động, tích cực, chủ động của cơ sở đào tạo trong tham mưu với quân đội, các bộ, ngành chức năng có liên quan và Chính phủ về những lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự còn hạn chế; có cơ sở đào tạo còn bị động khi tổ chức và quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản, chỉ thị của cấp trên, nhất là công tác quản lý học viên dân sự ở các cơ sở đào tạo hiện nay.