
Được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp... cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường và các cơ quan chức năng liên quan, từ năm 2002 các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã tham gia đào tạo được một số lượng lớn nguồn nhân lực cho đất nước ở các cấp học và trình độ, ngành nghề khác nhau; tập trung chủ yếu ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó:
Triển khai thực hiện Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 (Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001) và Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 Quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002-2010, Quân đội đã quy hoạch, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên các địa bàn, khu vực trọng điểm về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước; nhiều trường cao đẳng nghề được thành lập, các trung tâm dịch vụ việc làm của Quân đội được nâng cấp thành trường dạy nghề.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội là một bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân có nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng quân nhân xuất ngũ, chính sách xã hội và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội đã có những bước đi đúng hướng, đạt được những thành công ban đầu, phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động; góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, củng cố quốc phòng - an ninh.
Để thể chế hoá Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 27/11/2014 Quốc hội khoá XIV ban Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13. Trong đó xác định rõ một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp; đó là: “1) Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác; 2) Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực. Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời; 3) Đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; tập trung đầu tư hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhu cầu học tập của người lao động và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên”.
Mặt khác, để hiện thực hoá nhiệm vụ, giải pháp Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 quy định về xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp theo hướng: “Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp nghiệp”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW và Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình mới, ngày 02/4/2022 Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 230-NQ/QUTW về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, ngày 20/12/2022 Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Đây là những định hướng chính trị quan trọng cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở những định hướng chính trị này, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, đề án sáp nhập, giải thể, nâng cấp một số trường như: Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 450/KH-BQP ngày 20/02/2023 của Bộ Quốc phòng; Quyết định số 4565/QĐ-BQP ngày 20/9/2023 của Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 2765/KH-TM ngày 08/9/2023 của Bộ Tổng tham mưu về triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 -2030 và những năm tiếp theo; Đề án Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030; Đề án Phát triển Học viện Lục quân, Học viện Quân y, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật công binh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật quân sự 2 trên cơ sở giải thể Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự và Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung.