Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn mới

Trong những năm qua, Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáp ứng tốt một số yêu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước, trực tiếp góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội.
1-14-1739873121.jpg
Công tác đào tạo trong Quân đội góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Bước vào thời kỳ đổi mới, với nhiệm vụ mới, yêu cầu mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, phân tích và đưa ra những dự báo đúng về sự phát triển của đất nước và quân đội; trong đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ vai trò của Quân đội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một nội dung. Vì vậy, từ năm 1994 đến nay, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu xây dựng Quân đội trong từng giai đoạn (5 năm, 10 năm…), Quân ủy Trung ương về việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy khẳng định, phát huy thế mạnh của một số trường, một số ngành đào tạo trong quân đội, liên kết của nhà giáo tham gia giảng dạy tại các trường ngoài quân đội hoặc đào tạo theo chỉ tiêu của Nhà nước giao về một số chuyên ngành cần thiết. Đây là cơ sở, là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong Quân đội quán triệt và tổ chức chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết như: chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nội dung, chương trình đào tạo; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo... để sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau Nghị quyết số 93/ĐUQSTW, Quân ủy Trung ương đã ban hành các nghị quyết về giáo dục và đào tạo như: Nghị quyết số 94/ĐUQSTW ngày 29/4/1998 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 86/ĐUQSTW ngày 29/3/2007 về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu cũng đã ban hành nhiều văn bản về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong quân đội, trong đó có nhiệm vụ Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ngày 12/4/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 53/2002/QĐ-BQP về việc giao nhiệm vụ cho một số cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; trong đó, Chỉ thị số 40/2003/CT-BQP ngày 22/4/2003 về một số nhiệm vụ cấp bách kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội; Quyết định số 38/2003/QĐ-BQP ngày 22/4/2003 về việc ban hành Quy chế tổ chức đào tạo dân sự trong hệ thống nhà trường Quân đội; Tổng cục Chính trị ban hành văn bản số 531/HD-CT ngày 26/6/2003 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ ở các hệ, tiểu đoàn, khoa quản lý, đào tạo học viên dân sự ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là căn cứ pháp lý để huy động và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Nghị quyết số 86/ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Quân uỷ Trung ương về giáo dục và đào tạo là định hướng chính trị để hoạch định Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội.

Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã tiến hành tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng có liên quan về sử dụng năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện có để tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo, xây dựng nhà trường chính quy, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, từ khi tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, các cơ sở đào tạo trong Quân đội luôn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, sự quản lý của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan theo quy định của pháp luật.

Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hoạt động đặc thù này đòi hỏi các cơ sở đào tạo trong Quân đội phải phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, vừa chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, chỉ tiêu được giao; vừa làm tốt công tác tham mưu đề xuất về nội dung, chương trình, đối tượng và ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với năng lực của từng cơ sở đào tạo và sát với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực mà xã hội đang đòi hỏi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhưng các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã quyết tâm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng bộ phận, nhất là trong đội ngũ nhà giáo, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra. Thật vậy “Công tác giáo dục và đào tạo trong Quân đội đã thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nhân lực quốc gia trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”; và “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các cơ sở đào tạo đã thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo”; trong đó, “Công tác đào tạo nghề nghiệp trong quân đội đã có sự phát triển vượt bậc theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Luật dạy nghề”.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai