Thầy giáo Việt thông thạo 26 thứ tiếng khi mới 25 tuổi, ông là ai?

Đó chính là thầy giáo Trương Vĩnh Ký - “nhà bác học ngôn ngữ bậc nhất thời nay”, thông thạo 26 thứ tiếng năm 25 tuổi.
truong-vinh-ky-1-1743152999.webp
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Theo lược sử ghi lại, ông Ký 3 tuổi đã thuộc làu Tam tự kinh, 4 tuổi học viết, 5 tuổi cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo. Sau vài năm, ông thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống…

Sau khi cha mất, Trương Vĩnh Ký được gửi cho người Pháp ở Vĩnh Long để học tiếng Latin và tiếng Pháp. Năm 11 tuổi, ông được gửi đến học tại Phnom Penh, Campuchia cùng hơn 20 học sinh đến từ nhiều nước khác nhau. Cũng tại đây, ông thông thạo hầu hết các thứ tiếng của các bạn học cùng như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Ngoài việc học từ các bạn, ông còn tự học ở sách, từ điển trong thư viện của nhà trường. Năm 14 tuổi, Trương Vĩnh Ký tiếp tục được gửi vào trường ở Poulo Penang (hòn đảo nhỏ trên vùng Nam Dương, thuộc Malaysia). Trong khoảng thời gian 7 năm tại đây, ông theo học chuyên ngữ Latin và Hy Lạp. Ngoài ra, ông còn tự học nâng cao các thứ tiếng khác như Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp, Ý… 

Do thông thạo và nắm vững quy luật học các ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực, nên khi mới 25 tuổi, Trương Vĩnh Ký biết đến 26 thứ tiếng khác nhau. Các nhà ngôn ngữ học đương thời cho rằng, Trương Vĩnh Ký tự tìm ra những quy luật ngữ pháp giống nhau, khác nhau của các tiếng nước bạn để học nhanh và dễ dàng.

Năm 1874, Trương Vĩnh Ký được thế giới bình chọn là nhà bác học về ngôn ngữ, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Bách khoa Tự điển Larousse.

Nói về nhà bác học người Việt Nam, một nhà văn Pháp từng chia sẻ: “Trên trái đất này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như nhà bác ngữ học (bác học ngôn ngữ) bậc nhất của thời nay”. 

Hương Trà (TH)