Trương Vĩnh Ký - “Cuốn sổ bình sanh công với tội” (Phần 1)

Mất ở tuổi 61, vào năm 1898, cuộc đời hoạt động của Trương Vĩnh Ký với tên thánh là Pétrus Ký, nằm trọn vào nửa sau thế kỷ XIX, nửa thế kỷ dồn dập không ngớt những cuộc khởi nghĩa chống Pháp của các sĩ phu, văn thân; hào khí oanh liệt thì dư thừa nhưng không ngừng thất bại trước chiến thuyền và pháo hạm của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
truong-vinh-ky-e1672371035351-1719504675.jpg
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được xem là nhà báo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Viện phát triển giáo dục Libero

Trong bối cảnh những cuộc nổi dậy liên tục ấy, hành trang và hoạt động của Trương Vĩnh Ký lại hướng theo một lộ trình khác: lộ trình của sự xúc tiếp và tổ chức các mối quan hệ với bộ máy của chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ trong thời kỳ đầu của quá trình xâm lược. Đất Nam Kỳ do sớm trở thành xứ thuộc địa nên cũng rất sớm có nhu cầu tổ chức các mối giao lưu giữa hai phía: phía người Tây dương và dân bản xứ, phía kẻ xâm lược và người bản địa.

Và như thế, việc học chủ Pháp và chữ Quốc ngữ, việc khai trương nền báo chí Quốc ngữ cũng đã chọn đất Nam Kỳ để mở đầu nhằm thực hiện trước hết các ý đồ của kẻ xâm lược; nhưng trong sâu xa của hệ quả khách quan, lại đã có tác động thúc đẩy sự xúc tiếp với một nền văn hóa mới; một cuộc xúc tiếp mà ngay trong buổi đầu của nó cũng đã có tác dụng rọi sáng vào sự phong bế của nền văn hóa phương Đông cổ truyền.

Sự thiết lập một mô hình chính trị mới và văn hóa mới cũng đòi hỏi sớm có mặt một lớp trí thức và công chức thừa hành trong bộ máy hành chính, và trong các hoạt động của báo chí - xuất bản - thông tin trên cả ba loại chữ: Hán, Pháp và Quốc ngữ.

Được đào tạo cơ bản trong hệ thống trường Dòng, tinh thông ngôn ngữ Pháp - cùng nhiều ngôn ngữ khác, sớm có tri thức về văn hóa phương Tây, Trương Vĩnh Ký rất tự nhiên là người đầu tiên đóng vai trò môi giới trong các mối bang giao Pháp-Việt.

Trong sứ mệnh rất mực khó xử và cũng khó cưỡng lại đó, ông đã là người thông dịch xuất sắc nhất trong các cuộc giao thiệp giữa triều đình Huế và chính quyền thuộc địa; trở thành thành viên quan trọng trong sử bộ sang Tây, và ở đỉnh cao của nó, ông đã là người ở bên Đông Khánh, trong vai trò cố vấn, và là người cộng sự với Toàn quyền Paul Bert vào năm 1886. Nhưng tới từ đỉnh cao của sự tin cậy đó, cũng vào năm 1886, ông đã bất ngờ rút ra khỏi hoạn trưởng ở tuổi 50, để trong hơn mười năm cuối đời tập trung toàn lực vào công việc trước tác, sống một cuộc sống thanh bạch, thiếu thốn; và trước khi qua đời, để lại bài thơ tuyệt mệnh:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai 
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời 
Học thức gởi tên con mọt sách 
Công danh rút cuộc cái quan tài 
Dạo hòn lũ kiến men chưn bước 
Bò sối côn trùng chắc lưỡi hoài 
Cuốn sổ bình sanh công với tội 
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai

“Công” với “tội”, rồi “tìm nơi thẩm phán” - vậy là chính Trương Vĩnh Ký, chính ông chứ không phải ai khác đã tự nguyện đặt mình trước sự phán xét của lịch sử. Sự phán xét đó theo tôi là có lý do và việc chủ động đặt nó lên bàn cân là cần thiết ngay trong thời Trương Vĩnh Ký hoạt động cho đến khi qua đời. Tức là trong khuôn khổ và giới hạn của thế kỷ XIX, chứ chưa chuyển sang thế kỷ XX. Bởi lẽ, thế kỷ XX, trong khoảng lùi và sự cách biệt với thế kỷ XIX, đó là thế kỷ mà tất cả các nhà Nho - trí thức của nền học vấn cũ, của tầm nhìn chính trị và văn hóa cũ - đều đã kịp thời thức nhận yêu cầu canh tân và đổi mới đất nước trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục. 

Thế kỷ XIX, cho đến những năm cuối cùng của nó, sau thất bại của khởi nghĩa Phan Đình Phùng kết thúc phong trào Cần vương vào năm 1896, đó là thế kỷ không chấp nhận, không khoan nhượng với bất cứ biểu hiện nào của sự cộng tác, sự thỏa hiệp, chưa nói đến sự đầu hàng chủ nghĩa thực dân, trên lập trường ái quốc và trung quân kiểu cũ: 

Tấc đất, ngọn rau, ơn chúa - tài bồi cho nước nhà ta. 
Bát cơm, manh áo, nợ đời - mắc mớ chi ông cha nó! 

(Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

52965604275-c8de7aa8f7-z-1719504675.jpg

Thế kỷ Thế kỷ của một niềm cảm giận ngút trời: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan. Ngày xem ống khói chạy đen sì, toan ra cắn cổ” (Nguyễn Đình Chiểu). “Cơm xào thịt giặc mới nó. Bát cơm chan giọt máu thù mới cam” (Nguyễn Thượng Hiền). Do vậy mà điều trở nên hiển nhiên là thái độ dứt khoát, triệt để quay lưng, từ khước tất cả những gì là sản phẩm của phương Tây, gắn với văn minh phương Tây. Đến cả thuốc súng, xà phòng và chữ Quốc ngữ cũng bị từ bỏ, huống nữa là người nổi tiếng Tây, diện đồ Tây, ăn cơm Tây, quan hệ với Tây, làm việc với Tây..

Thế kỷ của cơn cuồng nộ cấm đạo: “Bình Tây sát Tả”. Thế kỷ mà bất cứ ánh sáng văn minh nào, đến từ các tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ... đều không thể lọt vào tầm nhìn thiển cận và bảo thủ của vua quan triều Nguyễn.

Dễ hiểu trong bối cảnh đó và khí hậu đó của thời đại khó mà có được một cách nhìn rộng rãi đối với những kiểu người như Trương Vĩnh Ký, kể cả các đồng nghiệp và môn sinh của ông như Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Trương Minh, Nguyễn Trọng Quản... là những người rồi sẽ tiếp tục sự nghiệp của ông trên lĩnh vực truyền bá chữ Pháp, sử dụng chữ Quốc ngữ, khai trương phong trào báo chí xuất bản và viết văn theo lối mới... 

Phải ngót mười năm sau khi Trương Vĩnh Ký mất mới đến được thời kỳ mà tất cả các nhà Nho – chí sĩ, kể từ hai cụ Phan, đều đã thoát ra khỏi sự kìm tỏa của hệ ý thức cũ. Đề trên nhận thức mới về sự cần thiết phải canh tân đất nước mà mở trường học, dạy chữ Quốc ngữ, đón nhận Tân thư, đổi mới nội dung giáo dục ở học đường, mở thư điếm và báo quán, tổ chức sôi nổi các cuộc diễn thuyết, bình văn: Buổi diễn thuyết người đông như hội  Kỳ bình văn khách tới như mưa.

GS. Phong Lê