Ngô Tất Tố: Nhà văn hóa tiên phong của văn học hiện đại Việt Nam (Phần 1)

Ngô Tất Tố không chỉ là một nhà văn hiện thực nổi tiếng với "Tắt đèn" mà còn là một nhà văn hóa, học giả nghiên cứu sâu sắc về văn hóa dân tộc và phương Đông. Với những công trình nghiên cứu về Lão Tử, Mặc Tử và Nho giáo, ông đã góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa văn học và báo chí Việt Nam, đồng thời phản ánh sâu sắc cuộc sống và số phận người nông dân trong xã hội phong kiến.
portrait-of-writer-ngo-tat-to-cropped-1732547056.jpg
Chân dung Ngô Tất Tố. Ảnh: Wikipedia

Tư cách nhà văn hóa, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hóa dân tộc nói riêng và văn hóa phương Đông cổ truyền có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời. Ông làm sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh Dịch, Đường thi, nghiên cứu văn học Lý-Trần, viết sách Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim... Những năm 30 và trước đó, các vấn đề của dân tộc và văn hóa dân tộc đã được đặt ra, với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau. Có cái là nằm trong ý đồ của chính quyền thuộc địa, nhằm phục vụ cho các âm mưu của giai cấp thống trị. Có cái là cách tìm một lối thoát ly, độc lập với chính trị, để có một khu vực riêng, độc lập cho văn chương, học thuật. Thời gian rồi sẽ dần dần giúp cho sự nhìn nhận một cách công bằng các giá trị trên một sự phân tích khách quan hơn, mối quan hệ giữa các động cơ và hiệu quả. 

Vấn đề dân tộc và văn hóa dân tộc trong chế độ phong kiến - thuộc địa, ở đỉnh cao, nó là vấn đề cách mạng, vấn đề thay đổi thể chế chính trị - như được nêu trong Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng ở mặt bằng chung, nó là vấn đề thanh lọc những yếu tố phản động, bảo thủ, lạc hậu trong di sản, trên một lập trường khoa học và dân chủ. Nghiên cứu Lão Tử và Mặc Tử trong quan hệ với Nho giáo, và trong bối cảnh Trung Hoa cổ đại, Ngô Tất Tổ hướng tới các giá trị duy vật - biện chứng, đồng thời với tinh thần phê phán, không nệ cổ. Đặc biệt và trước hết ông là nhà trí thức sớm và hiếm hoi đứng trên lập trường phê phán Nho giáo, ở các mặt bảo thủ, lạc hậu, trói buộc của nó.

Nhất quán với nhận thức đó, và như để minh chứng một cách sinh động cho nhận thức đó, ông viết Lều chõng, theo một xu hướng khác với các sáng tác cùng thời, như Bút nghiên, Nhà Nho của Chu Thiên, và Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan; mặc dầu trên chủ trương phục cổ của chính quyền thống trị cuốn Lều chõng cũng được nhận giải Alexandre de Rhodes cùng với Nho giáo của Trần Trọng Kim, và Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Lều chõng cho ta một bức tranh vừa lịch sử, vừa hiện thực, không chút tô điểm, thi vị thế giới sĩ tử, khoa hoạn đầy tính cách bi thảm và khôi hài của cả một thời xưa, cả một nền học văn xưa, mà chính Ngô Tất Tố là người từng dấn thân vào, với những gương mặt đại diện của kẻ Sĩ, đứng ở đầu bảng Sĩ - Công - Nông - Thương trong sự phân tầng của xã hội. 

Hơn nửa thế kỷ qua chúng ta đặt Ngô Tất Tố đứng hàng đầu nền văn học hiện thực, căn cứ vào giá trị của Tắt đèn. Sự sắp xếp đó, đến hôm nay vẫn không thay đổi, và giá trị Tắt đèn theo tôi vẫn là vững chãi và ổn định. Vào những năm đầu thế kỷ mới, thế kỷ XXI chúng ta nhận ra một di sản còn đồ sộ hơn ở ông, bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động, có ý nghĩa là điểm tựa cho các giá trị văn chương, vượt ra khỏi đóng góp xuất sắc của một nhà văn hiện thực, hoặc của trào lưu hiện thực chủ nghĩa. 

Xứng đáng ở nhiều tư cách, nhưng với Ngô Tất Tố, tôi muốn trở lại, nhấn mạnh lại tư cách nhà văn hóa, như một tư thế bao trùm, và là điểm tựa cho mọi lĩnh vực sáng tạo ngôn từ và bồi đắp cho tư duy hình tượng, luôn luôn đạt được độ cao sâu và các giá trị bền vững.

screenshot-1-1732547126.png
Gia đình chị Dậu, nhân vật chính trong Tắt đèn

Ngô Tất Tố đứng cùng vị trí vinh quang của nhiều đồng nghiệp như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Đồng thời ông có một vị thế riêng, ở giai đoạn 1930-1945, và cho đến hôm nay. Những đỉnh cao văn chương như ông có người đạt được, nhưng ông còn có thêm những giá trị mà nhiều người không có. Từ thời điểm hôm nay mà nhìn lại, một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn như Ngô Tất Tố tôi nghĩ còn là hiếm.

Sau Báo cáo khai mạc trong Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm sinh Ngô Tất Tố do Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội nhà báo Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Viện Văn học tổ chức vào ngày 17-2-1993, cách đây hơn 20 năm, tôi không viết thêm được một bài nào về Ngô Tất Tố. Khi nhận lời viết cho Hội thảo này', tôi chỉ xin mở rộng và nhấn mạnh một ý kiến nhỏ về tính hiện đại trong sự nghiệp văn chương và báo chí của Ngô Tất Tố. 

Sinh năm 1893, Ngô Tất Tố rõ ràng là bậc tiền bối của số rất lớn, nếu không nói là tất cả những người làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam thời 1932-1945. Tất cả - gồm những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn và trào lưu hiện thực đều ra đời sau ông từ 10 đến 20 năm, thậm chí ngót 30 năm. Tôi thử làm một kiểm kê như sau, để thấy trong sự phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử vào 30 năm đầu thế kỷ XX, các thế hệ nhà văn từ Nho học chuyển sang Tây học đã có một cuộc chạy tiếp sức, gần như trong từng thập niên một, với những tiệm tiến và nhảy vọt, để đến với cái đích hiện đại sẽ được hoàn kết vào năm 1945. Đó là, ở khởi đầu, kể từ thập niên cuối thế kỷ XIX, với người tiền trạm là Tản Đà - sinh năm 1890 (không kể trước đó: Nguyễn Văn Vĩnh - sinh năm 1882; Nguyễn Trọng Thuật - 1883; Hồ Biểu Chánh - 1885; Nguyễn Tử Siêu - 1887); Ngô Tất Tố-1893; Trần Tuấn Khải-1894; Vũ Đình Long-1896; Hoàng Ngọc Phách-1896; Tương Phố-1896; Khái Hưng-1896... Thế hệ nối tiếp, bắt đầu từ Tú Mỡ-1900; Nguyễn Công Hoan-1903; Nam Xương-1905; Nhất Linh-1906; Đông Hổ-1906 (sau Tương Phố 10 năm); Lê Văn Trương-1906; Thế Lữ-1907... Tiếp đến, chuyển sang thập niên thứ ba, với khởi đầu là Nguyễn Tuân và Thạch Lam-1910; Vũ Trọng Phụng-1912; Nguyễn Huy Tưởng-1912... Cho đến thế hệ sinh năm 1920, với Tô Hoài, Chế Lan Viên, Tố Hữu... 

Vậy là, gần như mỗi thập niên là sự xuất hiện và kế tiếp của một thế hệ viết. Ở danh sách trên, Ngô Tất Tố, là thuộc thế hệ mở đầu. Thế nhưng, cùng với Khái Hưng - sinh sau 3 năm, Ngô Tất Tố sẽ cùng với Khái Hưng là 2 người vượt được ngưỡng 1930 để tham gia vào đời sống văn học 1932-1945; cả hai đều ở hàng đầu hai trào lưu lớn là hiện thực và lãng mạn. Còn những người khác đều đứng ở bên này phòng chờ - những năm 20, dẫu từng là những gương mặt rất giả như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hoàng Ngọc Phách; cả ba cùng với nhiều người khác trong các lực lượng rất đông đảo ở cả Nam Bộ và Bắc Bộ đều không thể theo kịp thời cuộc để đến với cái đích cuối cùng của tiến trình hiện đại hóa.  

GS. Phong Lê