Đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài trong giáo dục đại học Việt Nam (Phần 1)

Theo Từ điển tiếng Việt, giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, giáo dục là các hoạt động học tập hay đào tạo để chuẩn bị cho con người có đủ khả năng để bước vào một nghề hoặc chuyển sang một nghề mới thích hợp hơn trong tương lai.
hinh-thuc-ky-luat-sinh-vien-dai-hoc-16951796021201196200177-1733585051.jpeg
Giảng đường là nơi người học lĩnh hội kiến thức, kỹ năng để thích nghi với cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển xã hội. Ảnh: Internet

Còn theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, đào tạo (giáo dục) là quá trình tác động đến một con người nhằm làm cho người đó lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo... một cách có hệ thống nhằm chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định, góp phần của mình vào việc phát triển xã hội, duy trì và phát triển nền văn minh của loài người.

Từ quan niệm về giáo dục, về đào tạo nêu trên có thể hiểu, giáo dục và đào tạo không hoàn toàn đồng nhất, nhưng không khác nhau về nội hàm. Vì vậy, đối với một người, quá trình đào tạo là quá trình người đó lĩnh hội và nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo... một cách có hệ thống thông qua các phương pháp dạy và học. Thực chất đây là quá trình vận động, phát triển từ không có, hoặc rất ít tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đến việc người đó có đầy đủ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo tối thiểu, cần thiết, để thích nghi với cuộc sống, có khả năng đảm nhận một sự phân công lao động xã hội nhất định, phù hợp với yêu cầu của mỗi loại việc làm.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Phát triển là biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp”; còn theo Đại từ điển Tiếng Việt: Phát triển là “Vận động, tiến triển theo chiều hướng tăng lên”. Như vậy, theo các quan niệm này, thì phát triển là sự tăng tiến theo hướng tăng dần cả về lượng và chất của sự vật, hiện tượng, là khuynh hướng vận động đã xác định về hướng của sự vật, hiện tượng hướng đi lên từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn... Chiều hướng phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội là sự vận động xoáy trôn ốc.

Với quan điểm duy vật biện chứng, phát triển là một phạm trù triết học; một thuộc tính phổ biến, vốn có của vật chất. Mọi sự vật, hiện tượng của hiện thực xã hội và tự nhiên không tồn tại trong trạng thái bất biến, mà luôn trải qua nhiều trạng thái khác nhau từ khi xuất hiện cho đến lúc tiêu vong. Nghĩa là, “bất kỳ một sự vật, một hiện tượng, một hệ thống nào, cũng như cả thế giới nói chung không đơn giản chỉ có biến đổi, mà luôn luôn chuyển sang những trạng thái mới, tức là những trạng thái trước đây chưa từng có và không bao giờ lặp lại hoàn toàn chính xác những trạng thái đã có, bởi vì trạng thái của bất kỳ sự vật hay hệ thống nào cũng đều được quyết định không chỉ bởi các mối liên hệ bên trong, mà còn bởi các mối liên hệ bên ngoài”.

Nói cách khác, phát triển là một quá trình thay đổi, vận động theo chiều hướng đi lên từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Đó là một quá trình vận động, biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu của sự vật, hiện tượng ngày càng hoàn thiện ở trình độ cao hơn. Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội có khái niệm: “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng, khả năng thuộc một nghề, một chuyên môn nhất định để người lao động thực hiện có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của mình”.

Từ các quan niệm về giáo dục, đào tạo, phát triển cho thấy, giữa giáo dục, đào tạo, phát triển có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời, là điều kiện, tiền đề của nhau trong cùng một quá trình. Giáo dục, đào tạo, phát triển đều cùng mục đích làm cho con người trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định; là quá trình tác động đến một con người nhằm mục đích trang bị cho người học hệ thống những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, để hoàn thiện nhân cách cho mỗi cá nhân, tạo tiền đề cho họ có thể hành nghề có năng suất và hiệu quả cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với cách tiếp cận này, có thể hiểu: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là quá trình tạo lập, sử dụng năng lực của con người vì sự hoàn thiện của chính con người đó cũng như sự phát triển bền vững của tổ chức nơi con người hoạt động. Xét ở phạm vi quốc gia, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện toàn diện cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai