Ngô Tất Tố với "Tắt đèn": Khúc ca đau thương của người nông dân (Phần 2 và hết)

Số phận người nông dân Việt Nam, tình cảnh cái làng quê Việt Nam, con đường đất nước và dân tộc Việt Nam đi tìm sự ấm no và thoát cảnh đói nghèo như thế nào trong một nền canh tác thô sơ, trong sự bó chặt và dồn nén nhiều tầng quan hệ gia tộc và làng xã, trong sự kìm hãm của bao nền nếp tâm lý, phong tục cổ hủ... đó là các vấn đề lưu niên của nhiều thế kỷ và vẫn còn là vấn đề của thế kỷ mới này.
tat-den-ban-an-tai-hien-buc-tranh-xa-hoi-viet-nam-1732546748.jpg
Chị Dậu là nhân vật chính trong tác phẩm Tắt đèn. Hình ảnh trong phim Chị Dậu.

Những cuộc chiến tranh và cách mạng đã diễn ra rồi qua đi, nhưng những vấn đề của đời sống con người, của nhu cầu phát triển con người, trên tất cả các mặt của vật chất và tinh thần, của thể chất và tâm hồn thì vẫn còn đó. Cái gì làm điểm tựa cho dân tộc vượt mọi thử thách để không tàn lụi mà vẫn vươn lên và phát triển, để không chìm trong “trời tối” hoặc “tắt đèn”, mà tìm thấy ánh sáng, đó là vấn đề Ngô Tất Tổ chưa thể nhìn thấy trên các trang viết trước 1945 của mình. Ông chỉ có thể mơ ước hình ảnh một “Suối hoa đào” tựa như chuyện Từ Thức vào động tiên. Nhưng nó là cả một ám ảnh và khắc khoải không nguôi trong suốt cuộc đời nhà văn. Đọc Ngô Tất Tố, và cả Nam Cao, dẫu bị ám ảnh bởi bao tối tăm, bi kịch, tôi vẫn thấy le lói một ánh nến thắp sáng cho nhận thức trong đêm đen nửa đầu thế kỷ XX. Để rồi cuối thế kỷ, lại vẫn thấy le lói ánh sáng của ngọn nến đó tiếp tục soi rọi và hứng dần lên trong các sáng tác vào đầu thời kỳ đổi mới, viết về nông thôn và người nông dân Việt Nam, với gia tộc và dòng họ, với đất đai và làng quê, với quê hương và cách mạng, sau một thời gian dài có bị khuất chìm đi trong các vấn đề của giống má, phân tro, ba sôi hai lạnh, bờ vùng bờ thửa, thâm canh tăng vụ, định canh định cư, cao thấp - vào ra, khoán chui hoặc kinh tế vườn... 

Hóa thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ Sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài. Người trí thức ấy có một trục đi - về quen thuộc là nông thôn và thành thị, là Từ Sơn - Hà Nội (nay là Đông Anh - Hà Nội). Gắn với đất quê, ông cũng đồng thời tách ra khỏi đất quê, để nhìn nông thôn chìm trong tối tăm từ phía ánh sáng thành thị, và nhìn rộng ra những vấn đề của một xã hội đang chuyển động giữa ngổn ngang những bất công và đói khổ, của sự phân cực giàu - nghèo, của những nhố nhăng và thối ruỗng được che đậy hoặc không cần che đậy. Tất cả đều có cách vào văn Ngô Tất Tố với những chạm khắc thật sắc sảo qua hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài bút chiến, tiểu phẩm, trên nhiều mặt báo, và qua hàng chục bút danh.

Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao, và tác giả Ngô Tất Tố - vẫn qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng - là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa. Ở đây vừa tiếp tục các vấn đề của bóc lột, tước đoạt, vừa bổ sung các vấn đề về phong tục, lối sống, ứng xử của văn hóa làng xã và đô thị vào một buổi giao thời Đông - Tây, giao thoa mới cũ. Ở đây không hiếm các chân dung phản diện trong bộ máy chức dịch nhà nước từ thấp lên cao, được mở ra trên một biên độ khá rộng, từ Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ đến Tổng đốc, nghị viên, dân biểu, rồi các loại nha lại, chức dịch, cường hào... Cũng ở đây hiện lên thấp thoáng chân dung nhà văn - người không hòa hợp được với hiện thực nhưng vẫn phải tồn tại và gắn bó với nó trong một khát khao cải tạo và thay đổi; nếu chưa phải là cách mạng, nếu đôi lúc có sa vào ảnh hưởng cải lương thì cũng là điều khó tránh; bởi lẽ trên cái gốc cơ bản là nhập cuộc, là yêu nước và thương dân, ông không một chút thoát ly, trốn lánh, hoặc sa vào những tìm kiếm siêu hình. 

Quả không dễ hình dung di sản báo chí đặc sắc gồm nhiều nghìn bài ở Ngô Tất Tố nếu không thấy ở người trí thức yêu nước yêu dân này một sự căm ghét mọi tội ác đến từ nhiều phía, sự vô nhân, và những điều phi nghĩa trong quan hệ giữa người giầu, kẻ nghèo. Ở kho tiểu phẩm đồ sộ hơn tất cả mọi người viết đương thời nào của Ngô Tất Tố, có thể cho ta một sự hình dung, một bên là đời sống xã hội phong kiến - thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát của nó; và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hóa những năm 30 thế kỷ XX. Báo chí đã trở thành cái nôi sinh thành nền học quốc ngữ và văn chương quốc ngữ; và văn học đã đưa báo chí vào một trường lực hấp dẫn, sống động cho đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy nhu cầu dân trí và khát vọng dân chủ của con người và xã hội. 

Bên người viết văn về nông thôn, nhà văn của dân quê đằm thắm tình người, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Nông thôn và thành thị, biểu trưng cho đời sống dân tộc trong một cơn chuyển động lớn lao của lịch sử, của thế kỷ, biểu trưng cho sự giao thoa cũ và mới, của phương Đông và phương Tây, trong tự nguyện và bắt buộc, trong giao lưu và cách bức, trong riêng rẽ và gắn nối, trong bổ sung và tương phản, trong hòa hợp và đối nghịch... trên chặng cuối một thời kỳ chuyển động để hướng tới một giải pháp cách mạng, đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố. 

GS. Phong Lê