Sinh năm 1960 tại Padua, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc nước Ý, Cattelan có tuổi thơ đầy khó khăn trong một gia đình lao động. Cha ông là tài xế xe tải, mẹ làm giúp việc, và cuộc sống luôn bị bao trùm bởi sự thiếu thốn. Từ nhỏ, ông đã sống lạc lõng, thường xuyên bị điểm kém ở trường và không hòa nhập với bạn bè. Cattelan từng chia sẻ rằng mình luôn phải đấu tranh để tìm kiếm sự tự do và thoát khỏi những khuôn khổ giáo dục của gia đình.
Sau khi bỏ học trung học, Cattelan làm qua nhiều công việc chân tay như nhân viên bưu điện, nhà bếp, hay thậm chí là ở nhà xác. Tuy nhiên, những công việc lặp đi lặp lại này khiến ông cảm thấy tù túng và khao khát một cuộc sống khác. Ở tuổi 18, ông quyết định chuyển đến Forlì, bắt đầu thử nghiệm nghệ thuật. Với một ý chí táo bạo, ông tự chụp những bức ảnh sáng tác của mình, đặt tên và gửi chúng đến các phòng trưng bày nghệ thuật ở New York – nơi ông mơ ước được đặt chân đến. Một trong những phòng trưng bày đã chấp nhận triển lãm tác phẩm của ông, mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho chàng trai trẻ đầy tham vọng.
Năm 1993, Cattelan chuyển đến New York. Thời gian đầu tại đây, ông gặp vô vàn khó khăn tài chính, mỗi ngày chỉ sống với vỏn vẹn 5 USD. Ông sống tối giản đến mức không có đồ đạc, một phần vì tính cách khép kín, ưa thích sự cô độc. Bạn bè và đồng nghiệp nhận xét Cattelan là người khó nắm bắt, luôn giữ khoảng cách với những người xung quanh. Dẫu vậy, ông không xem điều đó là hạn chế, mà trái lại, coi đây là cách để làm chủ thời gian và sự tự do cá nhân.
Mặc dù không hề được đào tạo bài bản về nghệ thuật, Cattelan nhanh chóng khẳng định mình qua những tác phẩm mang phong cách mỉa mai, trào phúng. Ông được biết đến như một người phá vỡ mọi chuẩn mực, luôn đặt câu hỏi về những điều tưởng chừng hiển nhiên. Các sáng tác của ông không chú trọng vào vẻ ngoài mà nhấn mạnh ý tưởng và thông điệp cốt lõi. Đối với Cattelan, sáng tạo nghệ thuật không phải để làm hài lòng công chúng, mà để giải quyết những hỗn loạn nội tại của bản thân.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông thường sử dụng nghệ thuật nhồi bông và sắp đặt, với cách thể hiện gây sốc nhưng sâu sắc. Một ví dụ là "Bidibidobidiboo" (1996), tái hiện hình ảnh một con sóc nhồi bông nằm gục trên bàn bếp, bên cạnh là một khẩu súng nhỏ – biểu tượng cho những áp lực tâm lý mà ông từng trải qua. Hay trong "La Nona Ora" (1999), ông tái hiện hình ảnh Giáo hoàng John Paul II bị thiên thạch rơi trúng, một tác phẩm khiến nhiều người tranh cãi gay gắt về thông điệp tôn giáo.
Dẫu thành công, Cattelan nhiều lần cảm thấy mất phương hướng trong chính sự nghiệp của mình. Năm 2011, ông tuyên bố "nghỉ hưu" tại triển lãm mang tên "All" ở Bảo tàng Solomon Guggenheim. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, ông quay trở lại, thừa nhận rằng việc không làm việc còn khiến ông đau khổ hơn.
Tác phẩm "Comedian" ra đời vào năm 2019, đánh dấu một bước ngoặt mới trong hành trình sáng tạo của ông. Với một quả chuối được cố định bằng băng keo, Cattelan biến những điều giản đơn nhất thành tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa toàn cầu. Đây không chỉ là một sự khiêu khích đối với thị trường nghệ thuật mà còn là một lời mời gọi suy ngẫm về giá trị và bản chất của nghệ thuật đương đại.
Cuộc đời của Maurizio Cattelan, từ những ngày khốn khó tại Ý đến khi trở thành một biểu tượng nghệ thuật toàn cầu, là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên định và sáng tạo không ngừng nghỉ. Dù gây nhiều tranh cãi, ông vẫn luôn khẳng định một điều: nghệ thuật, dù mang hình thức nào, cũng là một cách để đối thoại với thế giới và chính mình.