Ngô Tất Tố: Nhà văn hóa tiên phong của văn học hiện đại Việt Nam (Phần 2 và hết)

Sinh năm 1893 - chỉ kém tuổi Tản Đà thế mà Ngô Tất Tố đã làm được một cuộc bứt phá ngoạn mục, để đuổi kịp, và vượt lên đứng hàng đầu trào lưu hiện thực với Tắt đèn (đăng báo-1936; in sách -1939); Việc làng (đăng báo-1940; in sách 1941); Lều chõng (đăng báo-1939, in sách-1941), đúng vào lúc trào lưu hiện thực có sứ mệnh thay thế trào lưu lãng mạn, và đạt đỉnh cao của thành tựu cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng vào những năm 1936-1939; và tiếp tục giữ vững vị trí đó, cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp vào nửa đầu những năm 40. Vậy là ông đứng cùng vị trí với thế hệ Nguyễn Công Hoan, người thua ông 10 tuổi; với Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… ngót 20 tuổi, và Nam Cao, Tô Hoài... ngót 30 tuổi. 
d2946fcc-a84f-4615-b38d-3782c3413f73-1732547254.jpg
Tác phẩm Tắt đèn lần đầu được đăng trên báo Việt nữ vào năm 1937. Nội dung tác phẩm nói về cuộc sống khốn khổ của người nông dân Việt Nam dưới ách áp bức của chế độ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Internet

Ở tuổi ngoài 45, ông vẫn là người đồng hành với các thế hệ đến sau, tất cả đều ở tuổi ngoài 20 và 30, vào một thời đời sống xã hội và sinh hoạt văn học thay đổi cực kỳ khẩn trương gần như trong từng thập niên một - Trong khi những tên tuổi lẫy lừng cùng thời với ông như Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách, bỗng trở nên lỗi thời vào những năm 30. Hãy nghe Vũ Trọng Phụng khen ngợi Tắt đèn - “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”. Đánh giá này của Vũ Trọng Phụng hoàn toàn chân xác - cho đến năm 1939 là năm Vũ qua đời. Thế nhưng, giá như Vũ Trọng Phụng có thể sống thêm dăm năm nữa, để được biết đến những Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Đồ Phồn, thì theo tôi, nhận định trên của tác giả Giông tố, Số đỏ vẫn không cần điều chỉnh. Bởi, kể cả Nam Cao là cây bút xuất sắc nhất về làng quê Việt Nam thời 1941-1945; cả Nam Cao vẫn chưa thể hội đủ những giá trị làm nên một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam như trong Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình, và hàng trăm tiểu phẩm dưới các bút danh khác nhau của Ngô Tất Tố. 

Với tôi, chưa có tác phẩm nào về nông thôn và người nông dân Việt Nam, trong văn học trước 1945 đạt được sự xúc động sâu xa và bền vững như Tắt đèn. Quả là về phương diện nghệ thuật, người đọc không khó nhận ra, đôi lúc một hơi văn cũ, dấp dính chút ít biển ngẫu, trong tả cảnh, như: “Mõ cá trên cột đình lại há miệng nhận những cây dùi giận dữ. Trống cái dưới xà đình lại lỳ mặt chịu những cái nện phũ phàng”; và tả người: “Bên đám lông mày cong rướn, mấy sợi tóc mai lả thả rũ xuống, hình như làn khói thuốc lào phớt phơ bay trước khuôn gương. Và trên cái gò má đỏ bừng, vài ba giọt nước mắt thánh thót đuổi nhau chẳng khác hạt sương mai lánh động trong cánh hoa hồng mới nở..”. Nhưng, ấn tượng bao trùm về Tắt đèn vẫn là một bức tranh đời rất sắc nét trên tất cả mọi chân dung và đối thoại, không trừ ai, trong số mấy chục nhân vật có tên hoặc không tên, xoay quanh một hình tượng trung tâm là chị Dậu, với nguyên cớ của mọi tai ương là một cái suất sưu đánh vào người chết, khiến cho tất cả mọi người sống đều phải điêu đứng. Và, ngay cả về ngôn ngữ và nhịp điệu trong tổng thể bức tranh Tắt đèn vẫn là một hơi văn mạnh mẽ, rắn rỏi - rắn rỏi cho đến tận giòng cuối truyện: 

“Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. 

Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”. 

Việc làng - như một bổ sung cho “bức tranh quê” trong Tắt đèn. Theo tôi, trước 1945, cũng chưa có thiên phóng sự nào cho ta biết được nhiều đến thế về bộ mặt nông thôn trong tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến ngày nay. Và do thế, bên cạnh giá trị văn học, tác phẩm của Ngô Tất Tố còn chứa đựng biết bao giá trị khác, mà các bộ môn khoa học như Văn hóa học, Xã hội học, Phong tục học, Dân tộc học cần phải tìm đến như những tài liệu tin cậy. 

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là do đâu mà nhà Nho đầu xứ Ngô Tất Tố - người có tuổi cao nhất trong số những người mở đường xây nền móng, lại có thể cùng với các thế hệ đến sau leo lên được những tầng cao nhất của giàn giáo công trường văn xuôi Quốc ngữ hiện đại Việt Nam? Câu trả lời, theo tôi nghĩ, đó là bởi ông có một nền móng văn hóa sâu sắc nằm trong cái vốn tri thức thâm hậu của một nhà Nho có đầu óc phê phán; và là người luôn luôn biết mài rũa khối tri thức đó trong đời sống báo chí đương đại. Ở đây văn và báo, thời cuộc và thời sự là gắn bó mật thiết với nhau làm nên bản lĩnh và bản sắc Ngô Tất Tố. Tất nhiên, trên tất cả, hoặc sau tất cả cái vốn tri thức đến từ trường đời và sách vở ấy là một trí thức biết gắn bó, đồng cảm và chia sẻ đến tận cùng mọi buồn vui, khổ đau của nhân dân, của quê hương và đất nước.

Đó là điều khiến cho Ngô Tất Tố, không chỉ là người tiền trạm, người chuyển giao, mà là người đồng thời với chúng ta. Tính hiện đại, nơi một nhà Nho đầu xứ - đó là nét đặc sắc trong chân dung nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa Ngô Tất Tố.

GS. Phong Lê