Đã từ lâu, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết và gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn (1938), “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy”, theo cách nói của tác giả Giông tố, Số đỏ. Nhà văn hoàn thành tác phẩm ngay chính trên làng quê của mình, đã đào xới vào tận các tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống cày của đất quê, trên số phận của những người thân kẻ sơ một vùng quê không xa ánh sáng thành thị là mấy, mà cứ như hun hút ngập vào đêm đen trung cổ.
Tắt đèn có tất cả mọi cung bậc một tiếng nói tố khổ quyết liệt cho số phận người nông dân trong xã hội cũ, dường như bất dịch không thay đổi hàng nghìn năm, cho đến khi có “ông Tây”; và đến lúc có “ông Tây” rồi, tình cảnh người nông dân vẫn chẳng có bao nhiêu thay đổi. Một xã hội nối dài từ các “việc làng”, chung quanh một cái đình làng cho đến một tư thất hoặc công đường nơi huyện sở, rồi một cảnh cụ cố - vú em ở phố tỉnh; hoàn cảnh thì có mở rộng, nhưng số phận con người thì vẫn cứ là bị thắt buộc trong tối tăm và oan khổ.
Tắt đèn ánh lên cái nhan sắc của người phụ nữ nông thôn, lầm lụi trong một sự sống bị giày vò, đày đọa trăm bề, nhưng sự trong sáng và trinh trắng thì cứ ngời lên trên cái tối tăm của đêm sâu, của nửa đêm tối đen như mực. Dồn ép con người đến mực tận cùng như Tắt đèn, và đưa con người lên đỉnh cao những giá trị tinh thần và hình thể của con người như chị Dậu', tác phẩm của Ngô Tất Tố, trong bất cứ tên gọi nào vẫn là tác phẩm vào loại hiếm hoi gắn nối được cả hai mặt tối - sáng, phê phán - khẳng định, căm giận - yêu thương trong gia tài văn chương một thế kỷ.
Tắt đèn ra đời vào cuối những năm 30, như một báo hiệu tức nước vỡ bờ. Chỉ dăm năm sau khi Tắt đèn ra mắt và bị cấm, sẽ diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc số phận người dân Việt Nam. Nhưng nếu sự vùng dậy là quyết liệt, làm đổi đời hai mươi lăm triệu con người thì cái giá phải trả cho sự đổi đời đó là hai triệu người gục xuống trong một cơn đói khủng khiếp, nối dài những cơn đói triền miên của lịch sử. Tôi muốn nói đến vấn đề của người nông dân Việt Nam, của nông thôn Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm phong kiến và nông nghiệp là vấn đề đói, vấn đề con người sống và tồn tại trên những đồng bãi màu mỡ phù sa mà vẫn thiếu cái ăn, và không có miếng ăn.
Nếu Tắt đèn là cuốn sách có một không hai về một chân dung phụ nữ Việt Nam giữa trùng điệp những tên cướp đêm và cướp ngày, thì tiểu phẩm Làm no, hay cái ăn trong những ngày nước ngập cũng đã và sẽ là một tiểu phẩm có một không hai về cái đói và tình cảnh người nông dân Việt Nam, đời này qua đời khác, chống chọi và chịu đựng một cái đói lưu niên của lịch sử. Người đói ăn rau má, củ chuối, cám bã, khô dầu, bã đậu... Người đói ăn tất cả những gì có thể ăn, và cả những gì không ăn được, miễn là không gây chết người.
Cái “nghệ thuật làm nơ” bằng cách ăn đất sét, và cách pha chế nó sao cho có vị, để nuốt trôi được, của một người làng Ngô Tất Tố trong một chuyến nhà văn về thăm quê giữa mênh mông ngập lụt, quả là một cách chống đỡ đã nâng lên trình độ nghệ thuật để đánh lừa cả dạ dày và khẩu vị. Ở đây là nghệ thuật làm no, chứ không phải no thật. Chuyện no thật sẽ có những trang khác, như Một bữa no của Nam Cao. Nói là no, nó vẫn cứ là một biến dạng thê thảm của cái đói, và chết vì no là một cực khác của đói khổ và tủi hổ.
Gần như số đông các nhà viết văn Việt Nam chúng ta, theo tôi, ai cũng có vốn hiểu biết, vốn sống, vốn chia sẻ, cảm thông với người nông dân. Nhưng tôi nghĩ có dễ chưa ai đạt đến độ của Ngô Tất Tố. Hiểu và thương yêu đến trân trọng. Hiểu và lo lắng đến đau đớn. Và hiểu với bao khổ sở và thất vọng như trong Việc làng. Những “việc làng”, tôi tin là chưa ai biết cặn kẽ và chi ly đến như Ngô Tất Tố trên tất cả mọi khía cạnh của nhiêu khê, tù đọng, nhục nhằn, bức bối, bất công qua bao nếp nghĩ, phong tục, lối sống, sinh hoạt, hội hè, đình đám, lễ tết, khao vọng, ma chay, giỗ chạp...
Có lẽ cũng phải sau hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, sau hơn nửa thế kỷ phấn đấu xây dựng một bộ mặt nông thôn mới theo tiến trình và mô hình kết hợp ba cuộc cách mạng, với kết quả chưa thật nhiều lắm, ta mới thấy trở lại thật hết giá trị của bức tranh phong tục ấy; và đồng thời để thấy những kết quả cải tạo của cách mạng, không phải trên bề mặt mà ở các tầng sâu tâm lý, tâm linh và quan hệ giữa con người là không dễ dàng, càng không là dễ dãi.