Dạy nghề mở cánh cửa tái hòa nhập cộng đồng

Hằng năm, có hàng nghìn lượt người nghiện ma túy vào chữa trị tại các cơ sở cai nghiện, hàng trăm lượt người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, hàng nghìn lượt người sau cai nghiện ma túy trở về, vì vậy, việc xây dựng và triển khai tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy là hết sức cần thiết và thiết thực.

Việc đào tạo nghề và tạo sinh kế ổn định cho người sau cai nghiện trở về là giải pháp nhân văn, quan trọng giúp họ tránh được nguy cơ tái nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng. Trên thực tế, giải pháp này đã và đang được các cơ quan chức năng ở tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm phong phú, đặc biệt là việc mở các lớp đào tạo nghề cho học viên ngay tại cơ sở cai nghiện tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

day-nghe-1-1734491020.jpg
Các kiến thức dạy nghề được truyền đạt theo hình thức cầm tay chỉ việc cho học viên cai nghiện

Để hạn chế tình trạng học viên tái nghiện, trở lại cơ sở nhiều lần, rất cần sự hỗ trợ, quan tâm từ chính quyền địa phương trong công tác quản lý đối tượng sau khi được bàn giao, đồng thời tạo điều kiện để học viên có công ăn, việc làm ổn định.

day-nghe-2-1734491020.jpg
Dạy nghề gắn với lao động trị liệu, giúp các học viên vừa học nghề vừa tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng hòa nhập cộng đồng

Gia đình học viên cũng phải thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần chồng, con, em mình tránh để họ sa ngã, trở lại con đường nghiện ngập. Đặc biệt, xã hội không nên kỳ thị, doanh nghiệp cũng bớt khắt khe trong tuyển dụng những đối tượng sau cai nghiện, tạo cơ hội để họ tái hòa nhập cộng đồng. Bà Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng lựa chọn học viên, cũng như tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của học viên, để lựa chọn cho học viên ngành nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khi học viên trở về tái hòa nhập cộng đồng”. Học viên Trần Văn B, dân tộc Tày, Định Hoá, Thái Nguyên trải lòng: “Vốn sinh ra vùng dân tộc miền núi sẽ cố gắng nghề đã học, chăm lo, phát triển kinh tế gia đình, em rất mong xã hội mở lòng hơn với những người trót sa ngã, tạo điều kiện để chúng em có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội”.

day-nghe-3-1734491020.jpg
Tìm được việc làm ổn định là một trong những yếu tố có tác động không nhỏ đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau cai nghiện ma túy. Do vậy, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên
day-nghe-4-1734491020.jpg
Một tiết học lớp trồng rau sạch cho các học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên, với phương pháp dạy lý thuyết kết hợp với thực hành đã giúp cho các học viên tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng
day-nghe-5-1734491020.jpg
Trao chứng chỉ cho các học viên tốt nghiệp các nghề tại Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên

Thông qua việc đào tạo nghề, truyền nghề đã giúp những đối tượng lầm đường, lạc lối có cơ hội tìm việc, hoặc tự tạo việc làm. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất, tiếp thêm niềm tin cho học viên, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và phòng chống tái nghiện hiệu quả.

Đức Long – Bùi Cường