Hoàn thiện cơ chế, chính sách để Quân đội tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Một trong những bài học kinh nghiệm từ sự thành công về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của quân đội một số quốc gia là bài học về cơ chế, chính sách.
34802128fb02325c6b13-1735312647.jpg
Đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học là một trong những mục tiêu của các cơ sở giáo dục quân đội.

Ở Hoa Kỳ, giáo dục và đào tạo được thực hiện theo cơ chế thị trường, chính sách đầu tư của nhà nước mang tính hỗ trợ, tạo cơ chế mở để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Các cơ sở đào tạo tự cân đối thu chi, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm. Ở Nga, Trung Quốc, nhà nước và quân đội đã thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các chuyên gia trình độ cao để thu hút nhân tài và giữ chân các chuyên gia giỏi. Trung Quốc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cho đào tạo nghề nghiệp theo cơ chế cổ phần, cơ chế tập đoàn, hợp tác trong và ngoài nước; cho phép chuyển tài sản phi kinh doanh thành tài sản kinh doanh; cho phép chuyển hoá tài sản giáo dục thành tài sản hàng hoá giáo dục; thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên vay với lãi suất thấp.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách giáo dục, nhất là cơ chế, chính sách xã hội hoá giáo dục trên cả ba phương diện. Đó là, động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.

Đối với quân đội, Nhà nước và cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cơ sở cơ sở giáo dục đại học, đó là cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình. Trong đó: Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học; Trách nhiệm giải trình là việc cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định sau: Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn;  Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; Quyền tự chủ về tài chính và tài sản; Trách nhiệm giải trình; Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình được quy định như sau: 1) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về tổ chức, quản lý hoạt động và chất lượng đào tạo của mình; 2) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ; 3) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đủ năng lực tự chịu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy mức độ mà bị hạn chế quyền tự chủ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học của Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngoài chấp hành các quy đinh này, phải tuân thủ các quy định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai