Nền kinh tế Nhật Bản là nền kinh tế nhằm mục tiêu tối đa hoá giá trị gia tăng, mở rộng thị trường. Vì vậy, Nhật Bản luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo. Luật giáo dục năm 1947 của Nhật Bản đã xác định giáo dục là nhiệm vụ của quốc gia và là quyền cơ bản của người dân Nhật Bản. Do đó, hệ thống giáo dục của Nhật Bản được củng cố và có sự thay đổi đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ lao động có khả năng sử dụng các phát minh, sáng chế của thế giới và phổ biến rộng rãi các kết quả ứng dụng đó. Nhật Bản thực hiện xã hội hoá giáo dục, nhất là đào tạo nghề nghiệp. Nhà nước tiến hành huy động các nguồn lực của đất nước cho giáo dục và đào tạo; trong đó, quân đội được coi là một nguồn lực quan trọng để tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.
Hệ thống nhà trường Quân đội có nhiều chuyên ngành lưỡng dụng, có điều kiện tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự. Trường Đại học Quốc phòng có “Khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa ngoại ngữ, khoa vật lý toán học, khoa công trình địa chất thuỷ lợi, khoa công trình điện tử, khoa công trình cơ giới, khoa công trình đất đai lâm nghiệp...”. Trường Đại học Quốc phòng tham gia đào tạo các trình độ đại học và sau đại học. Ngoài học viên quân sự, Trường Đại học Quốc phòng còn tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với một số chuyên ngành như: công trình điện tử, công trình hàng không, công trình vật lý, công trình vật liệu... Hệ nghiên cứu sinh của Trường Đại học Quốc phòng “có chương trình học là hai năm, chủ yếu đào tạo các nhân viên khoa học kỹ thuật cao cấp, đối tượng là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học địa phương và học viên có trình độ học vấn tương đương”.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng là cơ quan đào tạo cao nhất của Quân đội Nhật Bản, chương trình đào tạo được thiết kế theo chương trình đào tạo thông thường và chương trình đào tạo cao cấp. Sau năm 1978, Viện Nghiên cứu Quốc phòng mở thêm chương trình nghiên cứu sinh. Ngoài học viên quân sự, Viện Nghiên cứu Quốc phòng còn tham gia đào tạo “nhân viên dân sự trung cấp”.