Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là đoàn kết, yêu thương, điều đó đã được chứng minh qua các cuộc kháng chiến giữ nước. Việt Nam là một nước nhỏ song không bao giờ chịu khuất phục, không chịu phụ thuộc bởi sự xâm chiếm của bất cứ kẻ thù nào. Ngày nay, hình ảnh Việt Nam chúng ta ngày càng có vị thế uy tín trên thế giới, nước ta thiết lập được mối quan hệ song phương, là đối tác tin cậy, bền vững với các cường quốc trên thế giới như: Trung Quốc, Nga, Mỹ…vv.
Đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam là một trong những điểm sáng về phát triển bền vững tại khu vực Đông Nam Á. Các thành tựu về giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và xóa đói giảm nghèo cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam ngày càng củng cố vững chắc vị trí là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu thông qua sự đóng góp tích cực trong các tổ chức, phong trào quốc tế.
Đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước, công tác giáo dục xã hội tại Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả đáng tự hào, trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung. Những thành tựu này không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển của giáo dục xã hội là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế của đất nước trên bản đồ thế giới.
Là người làm công tác giáo dục, đã có nhiều năm nghiên cứu về công tác xã hội. Với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tiếp tục phát triển công tác giáo dục xã hội ở nước ta. Tôi nhận thấy: Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong công tác giáo dục xã hội, chúng ta cũng phải thừa nhận vẫn còn những hạn chế mà Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm, đó là:
Đội ngũ cán bộ chuyên môn chất lượng, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm giáo dục xã hội chưa được đầu tư bài bản và liên tục. Vẫn còn sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giữa các vùng miền, khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nội dung giáo dục xã hội đôi khi chưa thực sự phù hợp với đặc thù văn hóa, ngôn ngữ của từng địa phương. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, dẫn tới giáo dục xã hội thiếu thống nhất, bị phân tán. Trong việc hỗ trợ và triển khai giáo dục xã hội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa thể hiện rõ vai trò tích cực; Sự nhận thức về giáo dục xã hội của mỗi người, mỗi gia đình còn nhiều khoảng trống và khác nhau.
Nhiều chương trình giáo dục xã hội triển khai không đồng bộ, thiếu tính lâu dài. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của giáo dục xã hội. Các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, bình đẳng giới, ý thức công dân… chưa được quan tâm đúng mực. Mặt khác, với sự phát triển chóng mặt của internet và mạng xã hội, người dân – đặc biệt là giới trẻ dễ tiếp cận thông tin không chính thống, thiếu kiểm chứng, làm giảm hiệu quả các chương trình giáo dục xã hội chính thống.
Công tác giáo dục xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập là một phần nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về nhân cách, đạo đức, mà biểu hiện cụ thể là một bộ phận người dân quá coi trọng vật chất, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, đề cao hưởng thụ, tôn vinh những thứ hào nhoáng, phù phiếm mà coi nhẹ những giá trị truyền thống, làm mai một những bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông…
Để có thể làm tốt hơn nữa công tác giáo dục xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần có giải pháp tổng thể và sự chung tay vào cuộc của gia đình, nhà trường, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội. Đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Nhà nước, cùng sự đồng lòng của người dân, công tác giáo dục xã hội chắc chắn sẽ khắc phục được những hạn chế, gặt hái được thành quả mới, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.
Niềm tin vào đạo đức và sự tử tế
Lịch sử Việt Nam rạng danh bởi những tấm gương sáng ngời của các nhà lãnh đạo anh minh, yêu nước và thương dân, tiêu biểu như vua Trần Thánh Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt… Trong thời hiện đại, dân tộc Việt Nam tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, người đã để lại một tấm gương đạo đức cao cả với lối sống giản dị, khiêm tốn, chan chứa tình yêu nước và lòng thương dân. Người đã truyền cảm hứng và đào tạo nên nhiều học trò xuất sắc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…, có thể thấy dấu ấn lịch sử khắc ghi: Thủ tướng Phạm Văn Đồng nổi bật mở đường cho hội nhập quốc tế; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một chiến lược gia quân sự đại tài, đã lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư duy đổi mới, đưa Việt Nam vượt qua khó khăn của thời kỳ hậu chiến và tiến vào công cuộc kiến thiết đất nước; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng chính sách đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân. Tiếp bước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo giản dị nhưng đầy bản lĩnh, đạo đức sáng ngời là Tổng Bí thư Tô Lâm – một vị tướng tài, anh minh nói và làm với quyết tâm triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sao cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả để kiến thiết, xây dựng nâng tầm phát triển bền vững của đất nước. Những cống hiến của họ không chỉ giúp Việt Nam đứng vững trước các thử thách lịch sử mà còn tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước ngày nay.
Nêu tên các vĩ nhân để cho chúng ta thấy và tin tưởng những giá trị tốt đẹp cuộc sống đều được bắt nguồn từ niềm tin, niềm tin từ sự tử tế không chỉ có ý nghĩa trong các cuộc đấu tranh giành độc lập mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hòa bình. Từ tấm gương của các vị lãnh đạo anh minh, chúng ta có thể khẳng định rằng chính sự tử tế là sức mạnh tiềm tàng để đưa đất nước không chỉ vững vàng trong hiện tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai.
Trong cuộc sống, niềm tin là giá trị tốt đẹp để mỗi một con người có ứng xử tử tế từ trong gia đình và ngoài xã hội. Khi niềm tin trở thành động lực cho mọi người cùng các tổ chức xã hội, khi đất nước làm tốt công tác giáo dục xã hội sẽ tạo niềm tin cho một thế hệ trẻ tương lai thì đất nước ta sẽ bình an và phát triển hưng thịnh.
Giáo dục xã hội lấy đạo đức làm nền tảng
Đối với bất cứ quốc gia nào, việc quản lý và giáo dục xã hội sẽ quyết định sự thành công trong quản trị đất nước. Quốc gia nào đặt giá trị đạo đức lên hàng đầu, gắn liền với pháp luật nghiêm minh, tiến bộ thì quốc gia đó sẽ tồn tại và ngày càng phát triển. Còn trong một xã hội mà giá trị vật chất được đề cao, trong khi giá trị đạo đức kém, thì ở xã hội đó con người sẽ không được hạnh phúc.
Pháp luật và giá trị đạo đức là hai yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng và duy trì trật tự, công bằng trong xã hội. Pháp luật đóng vai trò như một khung chuẩn mực, định hướng hành vi của con người, đảm bảo mọi cá nhân và tổ chức hoạt động trong phạm vi quy định chung. Trong khi đó, giá trị đạo đức đóng vai trò như một hệ quy chiếu nội tâm, khuyến khích con người hành động dựa trên lòng nhân ái, sự công bằng và tinh thần trách nhiệm. Khi pháp luật và giá trị đạo đức cùng song hành, xã hội sẽ có sự cân bằng giữa việc áp dụng các chế tài nghiêm minh và thúc đẩy ý thức tự giác từ mỗi cá nhân.
Khi giá trị đạo đức bị xem nhẹ, pháp luật trở thành công cụ bị lạm dụng hoặc không được thực thi nghiêm túc, xã hội dễ rơi vào tình trạng bất ổn. Một số quốc gia từng đối mặt với sự suy thoái về đạo đức và sự lỏng lẻo trong quản lý pháp luật đã phải trả giá bằng những cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và lòng tin của nhân dân. Bài học này nhấn mạnh rằng, chỉ khi giá trị đạo đức được thấm nhuần trong cả việc lập pháp và thực thi pháp luật, xã hội mới có thể đạt được sự phát triển bền vững và công bằng thực sự.
Do đó, để duy trì một quốc gia vững mạnh, cần phải đặt pháp luật và giá trị đạo đức làm nền tảng. Pháp luật cần mang tính nhân văn, phản ánh những giá trị đạo đức cao đẹp, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng. Đồng thời, đạo đức cần được nuôi dưỡng trong đời sống hằng ngày, từ giáo dục trong gia đình đến nhà trường và xã hội, để trở thành động lực tự nhiên thúc đẩy con người tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng, hạnh phúc.
Niềm tin tiến bước đi lên
Muốn giáo dục xã hội tốt cần phải có những điều kiện và cơ chế quản lý trên quy luật xã hội, không chỉ giáo dục bằng pháp luật mà cần phải giáo dục cho con người ngay từ nhỏ về đạo đức mà mỗi quốc gia đều phải thực hiện. Đạo đức không chỉ là một giá trị trừu tượng mà cần được gắn liền với hành động cụ thể từ suy nghĩ, nói và làm bằng sự tử tế của mỗi cá nhân.
Trong quy luật của vũ trụ, từ triết học đến khoa học tự nhiên, con người sinh ra ai cũng có tính thiện, song do cuộc sống đã bị vật chất chi phối, lòng tham sẽ tạo ra sân hận, si mê làm mất đi giá trị đạo đức. Cuộc sống ai cũng cần có vật chất và tinh thần, nhiều khi tinh thần mang lại hạnh phúc cho mỗi con người còn lớn hơn, đó là sự bình an.
Bài viết với nội dung về “niềm tin” giáo dục xã hội là một đề tài lớn, không thể trích dẫn hết các việc làm, các câu nói tốt của các vị thánh nhân, các nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, yêu nước, thương dân. Bài viết này cũng không thể nêu hết những điều muốn nói, chỉ mong nếu mỗi người chúng ta đều có một niềm tin vào Đảng và Nhà nước, “niềm tin” của mỗi chúng ta nếu hiểu biết học tập theo đúng giáo lý của Đức phật dạy: Hãy từ bi yêu thương, không phân biệt, không chấp trước, không tham sân si; Hãy học theo những tấm gương tốt, chấp hành đúng luật pháp nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, học tập và nêu cao tấm gương các bậc hiền nhân đi trước về sự kiên định, cung kính, khiêm tốn, dũng cảm, từ bi, yêu thương, mỗi người chúng ta cũng là đệ tử của Phật; sẽ có được từ bi, yêu thương và giải thoát mọi tham dục, để đạt được thiện lành. Chúng ta sẽ cùng tạo nên sức mạnh “niềm tin” về sự bình đẳng, giác ngộ, trí tuệ, từ đó giải phóng bản thân khỏi sân si, ganh ghét, hướng đến hạnh phúc, an bình. Thời gian qua, sự xuất hiện của sư Minh Tuệ là một vị chân tu đi bộ khắp Việt Nam nhiều lần, từ bỏ mọi vật chất, với đạo hạnh học phật làm thức tỉnh mọi người để lan tỏa giá trị tốt đẹp từ bi, yêu thương, khiêm cung nhưng thật đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi được phần lớn mọi người trong nước và thế giới ngưỡng mộ; Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau đã trở thành tâm điểm so sánh gây tranh cãi trên mạng xã hội là không cần thiết - Đã đến lúc nên dừng việc lợi dụng hình ảnh của sư Minh Tuệ để gây mất đoàn kết trong tôn giáo và gây tranh cãi không cần thiết cho cộng đồng mạng làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của đức phật và giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta.
Sống có văn hóa, hướng thiện, lan tỏa những điều tốt đẹp, không phô trương, sống thực chất, nói và làm đúng lương tâm, đạo đức thì nỗi đau tinh thần của mỗi người chúng ta sẽ được giảm đi. Sự nhân ái, thanh tịnh, bình đẳng, chân thành, từ bi yêu thương sẽ được lan tỏa thuần tịnh, thuận thiện, tạo ra một trí tuệ sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh với niềm tin về sự tốt lành; Hãy cung kính tổ tiên, biết ơn cha mẹ, cảm ơn đất nước Việt Nam ta có biết bao các bậc anh hùng, đã hy sinh cho chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam ta sẽ ngày càng phát triển vững mạnh – giàu về của cải vật chất – tốt về giá trị đạo đức của mỗi người dân – nâng tầm về văn hóa hướng thiện những giá trị sống tốt đẹp của người dân Việt Nam; Cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn!