Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, nắm bắt được tình trạng đó, cơ quan này đã và đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Kết quả triển khai đến nay, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 294 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 100 nghìn đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 4,2 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM đang dồn mọi nguồn lực và tập trung cao độ trong cuộc chiến chống lại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại. Với tinh thần trách nhiệm và sự nhạy bén trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, lực lượng này không ngừng triển khai các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trường Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM cho biết: “Trong năm 2024, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế do lực lượng Cảnh sát Kinh tế phát hiện, điều tra và xử lý đã giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, tính chất, mức độ và hành vi của các vụ việc lại có nhiều điểm mới với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Ví dụ, một số vụ án về buôn lậu và gian lận thương mại không chỉ diễn ra trong môi trường giao thương thông thường hoặc qua biên giới mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử”.
Từ rượu ngoại, thuốc lá, dược phẩm, đến các mặt hàng điện tử, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, các đối tượng vi phạm thường xuyên sử dụng những thủ đoạn tinh vi để tuồn hàng hóa vào thị trường. Song song đó, các hành vi gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, từ việc khai báo sai mã số thuế, giá trị hàng hóa để trốn thuế, đến sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Đặc biệt, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và các nền tảng vận chuyển công nghệ đã tạo ra "đất diễn" mới cho các hành vi vi phạm, khi các đối tượng tận dụng không gian số để ẩn mình, qua mặt các cơ quan chức năng.
Trung tá Nguyễn Phi Dũng, Cán bộ Phòng Cảng sát Kinh tế, Công an TP HCM cho biết, thủ đoạn, phương thức buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi: “Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi trước cơ quan chức năng. Ví dụ, một số trường hợp giả danh thành lập công ty "ma" để nhập khẩu hàng hóa hoặc giả mạo pháp danh của các công ty khác. Khi trao đổi, các đối tượng thường sử dụng phần mềm liên lạc và xóa dữ liệu ngay sau đó. Trong các giao dịch tài chính, chúng dùng tài khoản ngân hàng của những cá nhân không liên quan đến công ty để che giấu nguồn gốc và mục đích chuyển tiền”.
Buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại không chỉ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước mà còn làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn cho sự minh bạch và công bằng của thị trường. Nhận thức rõ vai trò tiên phong của mình, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã triển khai chiến lược phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như hải quan, quản lý thị trường và lực lượng an ninh tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay để giám sát và kiểm tra nghiêm ngặt. Những kết quả này không chỉ ngăn chặn thất thoát ngân sách nhà nước mà còn bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của cộng đồng. Tuy nhiên, thành công của lực lượng không chỉ nằm ở việc trấn áp các hành vi vi phạm mà còn thể hiện qua những nỗ lực xây dựng ý thức cộng đồng và môi trường pháp lý minh bạch. Phòng Cảnh sát Kinh tế đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, hội thảo phổ biến pháp luật và các hoạt động giáo dục, khuyến khích người dân và doanh nghiệp chủ động tham gia vào công cuộc đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trường Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM khẳng định: “Công tác tuyên truyền pháp luật tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về các hành vi vi phạm, giúp họ hiểu rõ phương thức và thủ đoạn của tội phạm kinh tế, từ đó chủ động phối hợp với lực lượng công an trong công tác phòng ngừa và đấu tranh. Trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, lực lượng công an áp dụng đồng bộ các biện pháp theo quy định ngành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ liên quan. Khi cần thiết, có thể mời chuyên gia ngoài ngành tham gia hỗ trợ để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh tội phạm kinh tế”.
Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại TP HCM không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Khi người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động, chắc chắn thành phố sẽ xây dựng được môi trường kinh tế minh bạch, lành mạnh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả nước./.