Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội với Chương trình hỗ trợ sau đặc xá: Đồng hành trên con đường mới

Đặc xá không chỉ là một chính sách nhân đạo của Nhà nước, mà còn là cơ hội để những người từng phạm sai lầm làm lại từ đầu. Thế nhưng, hành trình hòa nhập lại cuộc sống sau khi rời khỏi trại giam chưa bao giờ là dễ dàng.
anh-pham-nhan-tai-trai-tam-giam-so-2-duoc-dam-bao-cac-quyen-loi-va-chinh-sach-1733807021.jpeg
Phạm nhân tại Trại tạm giam số 2 được đảm bảo các quyền lợi và chính sách

Tại Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội, nơi đang quản lý khoảng 2.500 phạm nhân trong quá trình chấp hành án hoặc tạm giam chờ xét xử. Ngay từ giai đoạn cải tạo, trại đã chủ động xây dựng nhiều chương trình thiết thực nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cho phạm nhân. Các khóa đào tạo nghề như mộc, may mặc, cơ khí, nấu ăn và sửa chữa điện tử không chỉ giúp phạm nhân học được những kỹ năng lao động thực tế mà còn mang lại niềm tin và hy vọng về một tương lai mới. Song song với đó, các buổi giáo dục pháp luật và phát triển tư duy tích cực được tổ chức định kỳ, giúp phạm nhân nắm vững quyền lợi, trách nhiệm của mình và chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình hòa nhập cộng đồng.

Đầu tháng 10/2024, 21 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đã chính thức được trở về với xã hội, nhưng hành trình phía trước luôn đầy thách thức. Vì vậy, Trại tạm giam số 2 đã không ngừng hỗ trợ để đảm bảo họ có khởi đầu vững chắc. Một điểm sáng là chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm, trong đó trại hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để tạo cơ hội việc làm cho những người vừa mãn hạn tù. Nhờ các kỹ năng học được trong thời gian cải tạo, nhiều người đã tìm được công việc ổn định, mở ra một chương mới trong cuộc đời.

Đối với những người có khát vọng khởi nghiệp, trại còn hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi và tổ chức các khóa tập huấn kinh doanh, giúp họ tự tin xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Đây không chỉ là bước đệm để họ vươn lên làm chủ cuộc sống mà còn là cách để họ đóng góp tích cực cho xã hội.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết: “Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đối với người sau khi được đặc xá về tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi và các cấp ủy chính quyền đã hỗ trợ họ, tạo việc làm, không kỳ thị những người được đặc xá để tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm nay, sau một thời gian chính sách đặc xá được triển khai, những người được hưởng chính sách đã có những khởi đầu mới, có những người tiếp tục đi học, theo đuổi ước mơ dang dở”.

anh-thuong-ta-nguyen-xuan-nam-pho-giam-thi-trai-tam-giam-so-2-1733807190.jpeg
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2

Câu chuyện của chị Phạm Thị L., cư trú xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội là minh chứng sống động cho sức mạnh của sự thay đổi và ý nghĩa của các chương trình hỗ trợ sau đặc xá. Từng là một vận động viên điền kinh triển vọng với những bước chạy đầy nhiệt huyết trên đường đua, nhưng chỉ một khoảnh khắc mất kiểm soát đã khiến chị vướng vào vòng lao lý vì vô ý gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong suốt 15 tháng chấp hành án tại Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội, chị L. đã không ngừng nỗ lực cải tạo và tham gia các chương trình giáo dục pháp luật, kỹ năng sống và tư duy tích cực. Đây không chỉ là khoảng thời gian để chị suy ngẫm về những sai lầm của mình mà còn là cơ hội để trang bị hành trang mới. Đặc biệt, chính nghị lực và tình yêu với thể thao đã giúp chị đứng dậy sau biến cố. Chỉ hơn hai tháng sau khi được đặc xá, chị L. đã trở lại với con đường thể thao, không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn như một cách để khẳng định bản thân. Hình ảnh chị vượt qua những ánh mắt dò xét và tiếp tục "vững bước" trên từng đường chạy như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến mọi người: ai cũng có quyền được sửa sai và làm lại cuộc đời.

“Trước đó, khi biết mình thuộc diện được đặc xá, chúng tôi đã cố gắng cải tạo tốt để có thành tích cao, sớm được trở về với gia đình. Khi được về, tôi tiếp tục đi học và theo đuổi niềm đam mê thể thao. Trước đây, tôi từng là vận động viên điền kinh. Mục tiêu sau này của tôi là trở thành giáo viên dạy thể thao. Đến nay, tôi hoàn toàn tự tin tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời. Có được điều này cũng là nhờ những chính sách hỗ trợ từ Trại tạm giam số 2.”- chị Phạm Thị L. chia sẻ 

Câu chuyện của chị L. không chỉ truyền cảm hứng cho những người từng lầm lỡ mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của sự khoan dung và sự đồng hành từ cộng đồng. Chính sự hỗ trợ từ Trại tạm giam số 2 và quyết tâm từ chị L. đã tạo nên một khởi đầu mới đầy ý nghĩa. 

Từ câu chuyện của chị L có thể thấy, công tác hỗ trợ người được đặc xá tại Trại tạm giam số 2 không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là sứ mệnh nhân văn, thể hiện tinh thần bao dung và hy vọng. Những nỗ lực của các cán bộ nơi đây đã thắp sáng con đường mới cho những người từng lầm lỡ, giúp họ không chỉ tìm lại chính mình mà còn trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, có nhiều phạm nhân sau khi được đặc xá đã rút ra nhiều bài học và giá trị sau những lỗi lầm. Họ đã làm ăn chân chính, có người mở doanh nghiệp, xưởng sản xuất để thu hút những lao động nông nhàn tại địa phương, tạo việc làm hữu ích cho xã hội. Đây là những giá trị từ sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người từng lầm lỡ, sa vào con đường phạm tội.”

Hành trình tái hòa nhập cộng đồng là một chặng đường dài và đầy thử thách, nhưng với sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta có thể biến những cơ hội đặc xá thành những khởi đầu tươi sáng. Trại tạm giam số 2, với những đóng góp thầm lặng và bền bỉ, đã, đang và sẽ tiếp tục là cầu nối của niềm tin và hy vọng./.

Chính Phạm