Nơi ở hàng chục năm bị thu hồi, người dân đứng trước nguy cơ “vô gia cư”.
Theo phản ánh của các hộ dân, cách đây 50 năm, Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp Tô Hiệu (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu, địa chỉ tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) còn khó khăn, thiếu thốn. Các giáo viên, cán bộ của nhà trường thời điểm đó chưa có nơi ở phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Do đó, năm 1976, nhà trường quyết định cấp cho một số cán bộ, giáo viên các thửa đất để dựng nhà, nhằm ổn định cuộc sống để yên tâm công tác. Vị trí được cấp đất là những nơi như bờ mương, bờ ruộng, thùng đấu, vũng sâu thuộc khuôn viên trong trường. Sau khi được giao, các gia đình vừa công tác, vừa gánh đất, san lấp, cải tạo từ khu đất hoang hóa trở thành nơi cư trú.

Những thửa đất này sau khi cấp đã được nhà trường xác nhận quyền sử dụng, và tài sản hình thành trên đó được ra đời trước khi các quy định pháp luật hiện hành về quản lý đất đai được ban hành và áp dụng. Từ một số hộ dân được nhà trường cấp đất ban đầu, nay đã phát triển thành 11 hộ dân.
Tuy nhiên, ngày 07/03/2025, UBND huyện Khoái Châu ban hành thông báo kết luận toàn bộ công trình nhà ở mà 11 hộ dân đã sinh sống là "xây dựng trái phép" trên đất thuộc quản lý của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu. Tiếp đó, ngày 25/3/2025 huyện phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.57 nhưng không đưa ra bất kỳ phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư hay di dời tài sản khiến người dân lo lắng về nguy cơ mất nơi cư trú, dù đã sống ổn định gần 50 năm.
Bà Nguyễn Thị Thắm (79 tuổi), một trong những cựu cán bộ, giáo viên được nhà trường giao đất chia sẻ “Tôi luôn ủng hộ chủ trương phát triển nâng cấp ĐH.57 huyện Khoái Châu. Nhưng bản thân tôi là gia đình chính sách, tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Suốt thời gian dài, tôi phải sống trong cảnh lo lắng, mất nhà, mất đất khi chưa được đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Được biết, căn nhà bà Thắm đang sinh sống là nhà chính sách do Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng cho Thiếu tá Nguyễn Hồng Trọng (con trai bà Thắm), có quyết định trao tặng cụ thể. Đồng chí Nguyễn Hồng Trọng hiện đã qua đời. Đây cũng là ngôi nhà duy nhất mà bà Thắm dùng để thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Chiểu (anh trai của chồng bà Thắm), đồng thời là nơi ở của hai cháu mồ côi (con đẻ của quân nhân Nguyễn Hồng Trọng).
Ông Đỗ Văn Ngận, đại diện một hộ dân cũng cho biết: Mảnh đất là nơi ở duy nhất của gia đình chúng tôi. Cả “Bốn thế hệ đang chung sống trên mảnh đất này. Nếu mảnh đất bị thu hồi gia đình tôi không biết sẽ phải đi đâu về đâu”.
Quan điểm của nhà trường và ý kiến từ chuyên gia pháp lý.
Trước những ý kiến bức xúc của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực, phóng viên đã liên hệ với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu để tìm hiểu về vấn đề này. Đại diện nhà trường xác nhận có nghe lại từ một số lãnh đạo cũ, từ những năm 1976, Ban giám hiệu nhà trường có họp nghị quyết và quyết định giao đất cho một số cán bộ, giáo viên nhằm ổn định nơi ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay do điều kiện lịch sử như chiến tranh, bị mối mọt xâm lấn và quá trình sáp nhập trường, nhiều tài liệu liên quan đã bị thất lạc. Các thế hệ lãnh đạo sau này khi tiếp quản không nắm rõ đầy đủ thông tin về việc bàn giao trước đây. Dù vậy, nhà trường ghi nhận các hộ dân đã sinh sống ổn định tại khu vực này suốt gần 50 năm và không xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, vị đại diện nhà trường cũng thông tin thêm, các lãnh đạo, hiệu trưởng trước đây của trường đã nhiều lần gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, cùng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề nghị hỗ trợ nhằm ổn định lâu dài cho các hộ dân là cán bộ, giáo viên của trường, đồng thời tạo thuận lợi cho việc lập bản đồ quản lý và sử dụng đất. Tuy nhiên, những đề nghị này không nhận được phản hồi chính thức.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới nhà trường sẽ có kiến nghị trong các cuộc họp với UBND huyện Khoái Châu xem xét nguồn gốc nhằm tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Đăng Ngọc Duệ (Công ty Luật Phụng sự Công lý) nhận định: Trong vụ việc này, vai trò của Nhà trường vô cùng quan trọng trong việc xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân. Việc không lưu giữ nghị quyết, quyết định của Ban giám hiệu là trách nhiệm của nhà trường, nhưng việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Các giấy tờ xác nhận từ nguyên lãnh đạo nhà trường các thời kỳ là một trong những nguồn tài liệu để làm căn cứ xác minh khi không còn giấy tờ về đất. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải đánh giá thật kỹ những tài liệu này để đưa ra kết luận cũng như lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc nhà trường có văn bản chính thức xác nhận về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân là điều cần thiết, vừa thể hiện sự công nhận của Ban giám hiệu nhà trường với quyết định của tiền nhân, vừa chứng nhận sự thực, vừa bảo đảm quyền lợi cho những người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của Nhà trường.
Về vấn đề pháp lý, Luật đất đai 2013 và luật đất đai hiện hành (năm 2024) đều quy định về những trường hợp người sử dụng đất có nguồn gốc là giao trái thẩm quyền hoặc không có giấy tờ về đất, nếu sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - cơ sở để hưởng các chế độ khi bị thu hồi đất. Những quy định này được ban hành để giải quyết những tồn tại của lịch sử, tồn tại của thực tiễn, trường hợp 11 hộ dân chính là một ví dụ điển hình.
Việc thu hồi đất để phát triển hạ tầng là cần thiết, nhưng cần được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là yếu tố quan trọng để tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước – Luật sư Duệ nhấn mạnh.