Trương Vĩnh Ký - “Cuốn sổ bình sanh công với tội” (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Từ nhận thức về hiện thực đã diễn ra sau khi Trương Vĩnh Ký mất khoảng trên mười năm ta mới có dịp thấy rõ, chính Trương Vĩnh Ký là người đã có công góp phần ít nhiều chuẩn bị những nền móng bước đầu cho công cuộc canh tân ấy - cuộc canh tân đã được khai mạc vào thập niên đầu thế kỷ, rồi sẽ xuyên suốt cả thế kỷ.
screenshot-1-1719505065.png
Chân dung Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Internet

Trên rất nhiều công việc mà Trương Vĩnh Ký đã làm, ở tư cách và trong diện mạo một nhà bác học Việt Nam đầu tiên tinh thông hàng chục thứ tiếng, am hiểu cả hai nền văn hóa Đông-Tây, có kiến văn rộng rãi trên nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học... còn có thể nhận dạng một Trương Vĩnh Ký nặng lòng yêu vốn văn hóa dân tộc. Ông đã dành trên 20 năm để phiên âm, phiên dịch ra Quốc ngữ các văn bản Hán-Nôm từ cổ điển đến hiện đại, trong đó có thể lược kê: Kim Vân Kiều (lần 1 - 1875, lần 2 - 1898), Đại Nam quốc sử diễn ca (1885), Lục súc tranh công (1887), Phan Trần truyện (1889), Lục Vân Tiên truyện (lần 1 - 1889, lần 4 - 1897), Gia huấn ca (1882), Hịch Quản Định (1882), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1887), Trung nghĩa ca (1888)...

Trong số lượng lớn các bản dịch và phiên âm vốn văn hóa dân tộc, tôi chú ý bộ Quốc sử, cùng hai tác giả lớn của dân tộc là Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu. Dẫu là có ý thức hoặc không, đó là một chọn lựa rất có ý nghĩa. Kim Vân Kiều được Trương Vĩnh Ký phiên âm sang Quốc ngữ, năm 1875, để hơn hai mươi năm sau, ông lại trở lại công việc hoàn thiện nó, trước khi qua đời. Còn Nguyễn Đình Chiểu, không chỉ với Lục Vân Tiên, ấn hành đến lần thứ tư, mà còn là cả các văn tế và hịch sục sôi chí căm thù giặc; có phần chắc với các ấn bản Quốc ngữ, nó càng có hoàn cảnh phổ cập rộng rãi trong công chúng, không chỉ ở Nam Bộ mà trong phạm vi cả nước.

Một sự nghiệp phiên dịch và phiên âm có thể nói là đồ sộ, bao gồm cả vốn văn hóa Trung Hoa, kể từ Tứ thư (1889) và bộ sách Tam tự kinh (1887), mà chất lượng dịch ngót nửa thế kỷ sau, vào năm 1937, vẫn được nhà bác học Nguyễn Văn Tố khen: “Bản dịch của Pétrus Ký có thể kể vào số những bản dịch khá, những bản dịch như thế bây giờ thật hiếm”. Cùng với vốn cổ điển là vốn chuyện kể dân gian như Chuyện đời xưa (1866) và Chuyện khôi hài (1882).

Tiếp nhận khá sâu ảnh hưởng văn học phương Tây và là người đầu tiên vận dụng chữ Quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký đã viết những áng văn xuôi Quốc ngữ đầu tiên, trong các thể du ký, bút ký, kể chuyện như Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Bất cượng chớ cượng làm chi (1882), Kiếp phong trần (1885)...

Bây giờ đọc lại Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi thấy vẫn rất hứng thú với bút pháp đặc tả thật chi tiết và kỹ lưỡng của Trương Vĩnh Ký, nó giúp cho một sự hình dung rất cụ thể, rất hiện thực về đối tượng, khác hẳn với bút pháp của văn xuôi trung đại. Nếu tính cho đầy đủ các việc ông đã làm, để đạt con số 108 cuốn sách ở tư cách một học giả đa ngành thì còn rất nhiều, trong đó có các cuốn Từ điển Việt Pháp - Pháp Việt; các sách về ngữ pháp và sách học tiếng Pháp, tiếng An Nam; các sách biên soạn về sử-địa An Nam...

Trong kiểu mẫu một trí thức mới - sản phẩm của giao lưu và tiếp nhận văn hóa phương Tây - Trương Vĩnh Kỳ từng đặt chân lên nhiều xứ sở: Pháp, Anh, Ý, Hà Tây Ban Nha, Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản, cùng các nước Đông Nam Á; là thành viên của nhiều hội tri thức, nghề nghiệp ở phương Tây; có dịp tiếp xúc hoặc quen biết với nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đương thời; là một trong 18 nhà bác học thế giới được chọn vào năm 1883; có tầm kiến văn rộng và sâu để biên soạn khoảng trên một trăm tác phẩm lớn nhỏ, bao gồm nhiều lĩnh vực tri thức và học thuật, trong đó nổi bật là các khoa học lịch sử và nhân văn, ngôn ngữ và văn tự, tập tục và phong hóa...

Nói tóm lại, Trương Vĩnh Ký đã là người khởi động và có góp công thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa đời sống văn hóa - văn chương - học thuật Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Có thể nói ông đã là người tiền trạm, là bậc tiền bối cho cả mấy thế hệ trí thức cùng lên đường và lập nghiệp vào ba thập niên đầu thế kỳ, kể từ Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn” cho đến thế hệ người viết những năm ba mươi trên các lĩnh vực sáng tác thơ - văn và hoạt động học thuật nhằm hoàn thiện diện mạo hiện đại của nền văn hóa dân tộc.

800px-tuong-truong-vinh-ky-1719505064.jpg
Tượng Trương Vĩnh Ký trong Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Wikipedia

Trở lại câu chuyện Cuốn sổ bình sanh công với tội - tôi nghĩ không phải ai khác mà chính Trương Vĩnh Ký đã đặt mình vào thế phán xét của lịch sử. Ông không hề là người trốn tránh sự phán xét đó. Ông cũng không thanh minh. Thế nhưng lịch sử bao giờ cũng công minh. Cùng với khoảng lùi của lịch sử, không phải chờ quá lâu, mà ngay trong thập niên đầu thế kỷ XX, khi hai yêu cầu lớn của đất nước cùng nổi lên, khi tất cả các thế hệ trí thức dân tộc cùng chuyển động và thức nhận ánh sáng dân chủ và khoa học của phương Tây thì vấn đề phán xét công và tội của Trương Vĩnh Ký sẽ không còn là vấn đề căng thẳng và khó xử. Không những có thể thông cảm với hành trạng và ứng xử của một người sống giữa hai áp lực như Trương Vĩnh Ký mà còn có thể ghi nhận những đóng góp của ông, ở tư cách một trí thức, một nhà văn hóa, một học giả, một nhà bác học cho sự phát triển theo hướng hiện đại của nền văn hóa dân tộc.

Tôi không ngạc nhiên khi biết ở Sài Gòn có trường trung học nổi tiếng Pétrus Ký được thành lập từ năm 1927 - nơi đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh yêu nước, với không ít tài danh. Và ở tỉnh quê hương Bến Tre có nhà lưu niệm lớn được xây dựng từ năm 1937 - nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông.

Tôi cũng không ngạc nhiên khi đọc lại những ý kiến đánh giá công lao của Trương Vĩnh Ký, trong tư cách một học giả vừa quảng bác, vừa uyên thâm trên nhiều lĩnh vực văn hóa - học thuật, của nhiều người nghiên cứu có uy tín trước 1945 như Nguyễn Văn Tố, Vũ Ngọc Phan, Lê Thanh...

Thời gian công minh và nhân dân quảng đại. Thời gian giúp ta điều chỉnh sự đánh giá và nhân dân sẵn lòng đưa vào phạm vi tiếp nhận tất cả những gì có ý nghĩa làm giàu và làm mới vốn di sản dân tộc nhằm vào sự phát triển tương lai của nó, nhằm vào các viễn cảnh của nó.

Tôi đã hai lần qua phà Rạch Miễu về Bến Tre, nhưng cả hai lần vẫn chưa về được Ba Tri và Cái Mơn - Chợ Lách. Ba Tri - nơi có phần mộ Đồ Chiểu, nhà thơ yêu nước lớn, “thà đui mà giữ đạo nhà” - ngày 3 tháng 7 năm nay cũng chẵn 110 năm mất; và Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, nơi có nhà tưởng niệm Trương Vĩnh Ký - nhà bác học mà chỉ một phần di sản tác phẩm đồ sộ của ông có thể làm vinh dự cho bất cứ ai; hơn thế, còn là người có góp phần chuẩn bị cho công cuộc canh tân, hiện đại hóa đất nước, rồi sẽ chính thức khai mạc vào đầu thế kỷ XX.

1280px-nha-bia-truong-vinh-ky-1719505065.jpg
Nhà bia kỷ niệm nơi sinh Trương Vĩnh Ký. Phía sau là nhà thờ chính của họ đạo Cái Mơn. Ảnh: Wikipedia

Được biết ngôi nhà tưởng niệm Trương Vĩnh Ký nằm trong một khu vườn rộng đã trở thành niềm vinh dự của tỉnh quê hương Bến Tre, suốt hơn 60 năm qua. Tôi rất mong có dịp về ngôi nhà đó ở thời điểm kết thúc thế kỷ XX, để dâng một nén nhang lên bàn thờ ông và giãi bày chút tâm tình về “cuốn sổ bình sanh” mà ông đã viết trước khi mất, cách đây chẵn 100 năm. Có thể nói một cách trung thực là Trương Vĩnh Ký đã sống không mấy dễ dàng trong cả cuộc đời, và đã không được thanh thản trong những ngày cuối đời.

Một sự không thanh thản thường đặt ra cho người trí thức trong các biến động lớn của thời cuộc, trong các chuyển giao lịch sử, trong sự lựa chọn giữa các con đường... Con người - không phải lúc nào cũng được phép lựa chọn đường đi một cách tự do, theo ý nguyện; họ chỉ được tự do trong các quy định, các điều kiện của lịch sử - lắm lúc rất ngặt nghèo.

Với Trương Vĩnh Ký, có thể nói, đó là một quy định còn hơn cả ngặt nghèo. Không thể chọn một, và không được phép hai - ông đã bị dồn ép từ hai phía. Thế nhưng điều may mắn cho ông, và cho cả chúng ta, là trong dồn ép đó, ông đã tìm được một lối đi. Lối đi, trong tư cách một tri thức; và với tư cách đó, ông đã gây dựng được một sự nghiệp văn hóa và học thuật lớn, mà người đương thời, và cả về sau, khó ai sánh được.

Sự nghiệp đó, lúc sinh thời, tuy đã được đón nhận một phần, nhưng phải sau khi ông mất, mới thật sự trội hẳn lên như là sự đáp ứng một nhu cầu bức thiết của thời đại. Chỉ sau khi ông mất mới có được sự gặp gỡ, sự hội nhập giữa những gì ông đã làm với những gì mà công cuộc canh tân đất nước cần đến. Chỉ sau khi ông mất mới có được chân dung về ông, như một người khởi động và có công đi chặng đầu con đường còn hoang vắng và còn lắm hiểm nguy, lắm cỏ gai rậm rạp.

GS. Phong Lê