
Trong quá trình tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một số cơ sở đào tạo chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, biểu hiện ở một số hạn chế sau:
Một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện tốt việc xây dựng, kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý công tác giáo dục và đào tạo học viên dân sự.
Nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý công tác giáo dục và đào tạo học viên dân sự ở một số cơ sở đào tạo chưa đầy đủ nên việc phát huy vai trò của các tổ chức này trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự còn hạn chế. Công tác quản lý đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự ở một số cơ sở đào tạo thiếu chặt chẽ, có phần lơi lỏng.
Phương pháp, cách thức quản lý đối tượng học viên dân sự chưa thật linh hoạt, chưa có sự vận dụng phù hợp; có cơ sở đào tạo chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia quản lý học viên như đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo... nên chất lượng, hiệu quả quản lý, giáo dục chưa cao. Thậm chí có cơ sở đào tạo rập khuôn máy móc, áp dụng phương pháp quản lý học viên quân sự để quản lý học viên dân sự đã gây nên những căng thẳng, áp lực với người học. “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng động cơ học tập, rèn luyện ở một số nơi chưa thật linh hoạt, phù hợp với đối tượng là học viên dân sự”.
Hoạt động của một số tổ chức quần chúng còn mang tính hình thức; chưa khơi dậy được ý thức tự giác học tập, chưa tạo được phong trào học tập sôi nổi trong học viên dân sự cũng như hoạt động giao lưu giữa học viên quân sự và học viên dân sự.
Lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức, thực hiện của các lực lượng liên quan đến nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở một số cơ sở đào tạo chưa thường xuyên; một bộ phận nhà giáo chưa quán triệt và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự như công tác tuyển chọn, đào tạo và một số khâu khác..., làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Năng lực của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Quân đội và đất nước.
Năng lực của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế chưa theo kịp với sự vận động, phát triển của tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; còn có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, thỏa mãn dừng lại; thiếu nhiệt tình say mê trong giảng dạy, trong biên soạn giáo trình, tài liệu và nghiên cứu khoa học. Trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng ứng dụng phương pháp dạy học tích cực và sử dụng trang, thiết bị dạy học hiện đại của một bộ phận nhà giáo còn hạn chế.
Số lượng đề tài cấp bộ, ngành còn ít, đề tài nghiên cứu về khoa học - công nghệ, kỹ thuật mô phỏng chưa nhiều; phong trào phát huy sáng kiến cải tiến trong các lĩnh vực chưa sâu, rộng... Số ít nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tư tưởng bằng lòng, không chịu khó học tập để vươn lên, việc nắm bắt các vấn đề thực tiễn còn hạn chế, thiếu cập nhật thông tin và tri thức mới phục vụ nghiên cứu, giảng dạy nên nội dung giảng dạy còn đơn điệu, thiếu thực tiễn, thậm chí có nội dung lạc hậu so với sự phát triển của thực tiễn; do đó, tính thuyết phục của bài giảng không cao. Trong giảng dạy thiên về lý luận, nặng tính áp đặt, chưa giúp người học hình thành kỹ năng vận dụng lý luận để hiểu và giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Phương pháp sư phạm ở một số ít nhà giáo chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, nhất là các đối tượng đào tạo nghề nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Quân đội ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong khi đó, đối tượng đào tạo nghề nghiệp lại đa dạng cả về trình độ dân trí, lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số cơ sở đào tạo còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ; đội ngũ kế cận mỏng; nhà giáo đầu đàn và đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành còn ít, nhà giáo có trình độ sau đại học tuổi cao, sự hẫng hụt nhà giáo rất lớn, nhất là lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tỷ lệ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư thấp, học vị tiến sĩ ít. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đối với đối tượng đào tạo là học viên dân sự, còn lúng túng trong giải quyết một số vấn đề nảy sinh. Công tác quản lý học viên dân sự chưa thật chặt chẽ, việc quản lý còn mang tính thủ công, thiếu khoa học; việc chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực nhiều khi chưa kịp thời.
Đối với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trình độ kiến thức, năng lực quản lý đào tạo của không ít cán bộ quản lý đào tạo nghề nghiệp còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số cơ sở đào tạo chưa được thường xuyên, liên tục; hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, năng lực chuyên môn giữa đội ngũ nhà giáo quân đội với nhà giáo ở các cơ sở đào tạo dân sự chưa nhiều, chưa tạo được sự chuyển biến về chất lượng của các lực lượng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.