Chất lượng giáo dục quân đội trong đào tạo nhân lực phục vụ đất nước

Các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
5-3-1739874211.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 huấn luyện chiến thuật. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các cơ sở đào tạo trong Quân đội phải góp phần xây dựng, phát triển đơn vị mình ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự.

Thực hiện Hướng dẫn số 531/HD-CT ngày 26/6/2003 của Tổng cục Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ ở các hệ, tiểu đoàn, khoa quản lý, đào tạo học viên dân sự ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội, các cơ sở đào tạo trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự đã thành lập hệ quản lý học viên dân sự; thành lập chi bộ hệ dân sự để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, quản lý, rèn luyện học viên dân sự đúng quy định, chỉ thị, quy chế của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan; thành lập các tổ chức đoàn, các chi đoàn theo Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã làm tốt việc quán triệt các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế của Bộ Quốc phòng và các quy định của cơ sở đào tạo. Đồng thời gắn hoạt động của đoàn thanh niên với sinh hoạt, học tập truyền thống, quán triệt mục tiêu, yêu cầu đào tạo, các chỉ thị hướng dẫn vào việc giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ học tập và rèn luyện cho học viên. Học viên dân sự tốt nghiệp đạt được mục tiêu, yêu cầu đào tạo: có phẩm chất đạo đức chính trị trong sáng, vững vàng, tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có trình độ tương xứng ở bậc đào tạo và có khả năng tư duy phát triển. Hàng năm, các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự đều gửi thư thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên dân sự cho gia đình để phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, quản lý. Vì vậy, công tác giáo dục, quản lý học viên dân sự ngày càng chặt chẽ, nghiêm túc, ý thức tự giác học tập, rèn luyện, chấp hành pháp luật, ý thức tập thể, phẩm chất đạo đức, tư thế tác phong của học viên dân sự ngày càng tiến bộ.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm xây dựng, có sự phát triển toàn diện, chất lượng không ngừng nâng cao. Nếu năm 2012 hệ thống nhà trường Quân đội “có 43 giáo sư và 353 phó giáo sư, 39 nhà giáo nhân dân và 349 nhà giáo ưu tú; tỷ lệ nhà giáo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng tăng”; thì năm 2023 trong hệ thống nhà trường Quân đội có “98,09% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học trở lên, trong đó có 47,05% trình độ sau đại học; riêng đội ngũ nhà giáo có 60,97% trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”. Kết quả xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong những năm qua là yếu tố giữ vai trò quan trọng chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về cơ cấu, bao gồm cả cơ cấu trình độ đào tạo, lứa tuổi, giới tính, vùng miền. Trong đó, trình độ đại học là 59,50%, sau đại học là 31,67% và cao đẳng, dưới cao đẳng là 8,83%. Cơ cấu về tuổi, giới tính, vùng miền... từng bước được xây dựng, phát triển hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Nhiều cơ sở đào tạo trong Quân đội phấn đấu xây dựng đội ngũ nhà giáo 100% có trình độ đại học như Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần...

Có thể khẳng định, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội thường xuyên được các cấp lãnh đạo trong và ngoài Quân đội quan tâm, không ngừng được nâng cao về chất lượng chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, trình độ đạt chuẩn được nâng cao. Nhận thức lý luận và năng lực thực hành nhiệm vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhân viên chuyên môn, kỹ thuật đã có sự phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.

qqqq-1739874211.jpg
Công tác đào tạo trong Quân đội góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Báo Quốc phòng Thủ đô

Một số cơ sở đào tạo trong Quân đội được tập trung nguồn lực để xây dựng trở thành trường trọng điểm của quốc gia. Năm học 2011-2012, Học viện Kỹ thuật Quân sự được công nhận là trường trọng điểm quốc gia với đội ngũ nhà giáo hơn 1.000 người, trong đó: “100% có trình độ đại học trở lên, trong đó có 290 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 06 giáo sư, 67 phó giáo sư, 03 nhà giáo nhân dân và 22 nhà giáo ưu tú, hơn 400 thạc sĩ khoa học - công nghệ”. Hàng năm, với 13 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 17 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và gần 1.000 học viên các loại hình đào tạo sau đại học, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã trở thành cơ sở đào tạo sau đại học có uy tín và chất lượng trong cả nước. Học viện Quân y đã có hơn 2.500 cán bộ, công nhân viên; trong đó, gần 900 người làm công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; trên 90% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học. Học viện đã đào tạo cho đất nước khoảng hơn 60.000 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có gần 600 tiến sĩ, trên 6.000 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, gần 21.600 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật và trên 34.000 nhân viên y tế. Học viện Hậu cần có 100% đội ngũ nhà giáo có trình độ đại học, trong đó 62,5% giảng viên có trình độ sau đại học (trên 15% có học vị tiến sĩ).

Đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quân đội được quan tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 11/2012, tổng số nhà giáo dạy nghề: “Có 2.353 người, trong đó, sau đại học là 115 người, đạt tỷ lệ 4,88%; đại học, cao đẳng là 1.115 người, đạt tỷ lệ 47,38%; trung học chuyên nghiệp và thợ bậc cao là 1.104 người, đạt tỷ lệ 46,91%. Nhà giáo đạt chuẩn theo quy định là 2.235 người, đạt tỷ lệ 94,98%; số nhà giáo dạy cả lý thuyết và thực hành mới chiếm 47,30%.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai