Đổi mới công tác đào tạo nghề trong quân đội: Đồng bộ, hiện đại, hiệu quả

Đổi mới công tác đào tạo nghề trong quân đội là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng lực lượng trong tình hình mới. Với định hướng đồng bộ, hiện đại, hệ thống giáo dục nghề nghiệp quân đội không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo cơ hội việc làm cho quân nhân xuất ngũ và lao động trẻ.
image007-1740297458.jpg
Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự trong giờ học thực hành tại Phòng Thí nghiệm nghiên cứu robot. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Các Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới là định hướng chính trị và cơ sở pháp lý để quy hoạch, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Quân đội theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, phân tầng chất lượng. Đồng thời, có thể tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội tham gia tích cực, chủ động vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Quân đội đã có bước phát triển vượt bậc về năng lực quản lý, tổ chức đào tạo; hàng năm các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm đều hoàn thành các chỉ tiêu đào tạo được giao; đã tích cực, chủ động, sáng tạo khi triển khai nhiệm vụ, kết hợp đào tạo nghề nghiệp ở ba trình độ; từng bước phát triển quy mô ngành nghề và đa dạng hoá loại hình đào tạo, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo để mở rộng liên kết đào tạo trong và ngoài nước. Cụ thể, “Năm 2011 đã đào tạo nghề nghiệp cho 119.553 học viên; trong đó, đào tạo cao đẳng nghề 8.441 học viên, trung cấp nghề 24.694 học viên, sơ cấp nghề 50.673 học viên. Riêng đào tạo nghề nghiệp cho bộ đội xuất ngũ theo Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg: đào tạo cao đẳng nghề là 5.200 học viên (cơ chế đặt hàng); đào tạo trung cấp nghề là 12.570 học viên (cơ chế đặt hàng); đào tạo sơ cấp nghề là 28.753 học viên (thẻ học nghề)”.

Nhiều trường tham gia đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, cả nam và nữ với các lứa tuổi khác nhau, phù hợp với ngành nghề và nhu cầu việc làm tại chỗ. Tính riêng Trường Trung cấp nghề số 15 của Binh đoàn 15, từ năm 2003 đến tháng 7/2008 đã đào tạo được 30.424 học viên, trong đó có đến hơn 5.000 học viên là người đồng bào dân tộc tại chỗ.

Một số trường nghề, trung tâm dạy nghề còn tham gia đào tạo nghề nghiệp và tiếng nước ngoài cho hàng nghìn lao động; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giáo dục quốc phòng và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho hàng chục đối tượng khác nhau với số lượng lớn, chất lượng cao góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước; đã phát huy được thế mạnh về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo, kinh nghiệm tổ chức quản lý theo nền nếp chính quy; chất lượng đào tạo được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn đánh giá cao và được thị trường lao động chấp nhận, góp phần quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quân đội còn có 6 học viện, trường tham gia đào tạo nghề nghiệp là: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng, Trường Trung cấp Công binh, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung, Trung tâm Dạy nghề và Xuất khẩu lao động GAET. “Các cơ sở đào tạo này hàng năm dạy nghề cho khoảng 40.000 thanh niên ngoài quân đội”.

Chất lượng đào tạo nghề nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quân đội ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học viên sau tốt nghiệp có việc làm luôn ở con số cao. Về trình độ đào tạo, cao đẳng nghề đã sử dụng đề thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp và thực hiện theo quy chế đào tạo; do vậy, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. “Học viên cao đẳng nghề, trung cấp nghề tốt nghiệp 95-98%, sơ cấp nghề tốt nghiệp 93-95%, trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm 60% trở lên”. Năm 2012 có 99,48% thí sinh tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) trong quân đội; trong đó, số thí sinh đỗ tốt nghiệp là 1.734/1.743 thí sinh, bằng 99,48%; tốt nghiệp loại giỏi: 0,11%; khá: 4,55%; trung bình: 95,34%. Các trường có 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp là: Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội, Trường Quân sự Quân khu 2, Trường Quân sự Quân khu 4, Trường Quân sự Quân khu 9 và Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc/Quân khu 1.

image005-1740297528.jpg
Học viên trường Quân đội học ngoại ngữ tại phòng học chuyên dụng. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tham gia đào tạo nghề nghiệp phục vụ cho hoạt động xuất khẩu lao động với hàng trăm học viên mỗi năm, chủ yếu là quân nhân xuất ngũ và các đối tượng chính sách có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, số lao động do các cơ sở này đào tạo xuất khẩu ra nước ngoài đều có việc làm ổn định, chất lượng lao động tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm, được các đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Cơ cấu đào tạo nghề nghiệp đã phản ánh được sự đa dạng và từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn, bao gồm cả cơ cấu trình độ đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực, giới tính, lứa tuổi, vùng, miền... Thông qua các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp nên nguồn nhân lực được đào tạo đã vươn xa đến những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhất là những địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... Nhiều lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, phụ nữ được đào tạo nghề nghiệp và có việc làm ổn định tại địa phương. Kết quả này đã trực tiếp góp phần khắc phục sự mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động, thực hiện tốt các chính sách xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực phản động. Song, kết quả quân đội tham gia đào tạo nghề nghiệp trên đây chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, quân đội cần: Tiếp tục đổi mới và phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp cho quân nhân xuất ngũ, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng khác. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống các trường nghề; trong đó, tập trung đầu tư, xây dựng Trường Cao đẳng nghề số 8 thành trường chất lượng cao, có nghề đạt trình độ quốc tế; Trường Cao đẳng nghề số 3 thành trường trọng điểm quốc gia trình độ khu vực Đông Nam Á, có nghề tiếp cận trình độ thế giới; các Trường cao đẳng nghề số 1, 4, 5 thành trường cao đẳng nghề trọng điểm quốc gia.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai