
Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã góp phần tích cực trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với điều kiện và năng lực đào tạo hiện có của các cơ sở đào tạo trong Quân đội. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội tham gia đào tạo với số lượng không nhiều trong tổng số quân nhân xuất ngũ hàng năm; tỷ lệ học viên là quân nhân xuất ngũ ở một số khoá học còn thấp. Nội dung, chương trình và phương pháp dạy học chưa đáp ứng tốt yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa bắt kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay. Do đó, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chất lượng đào tạo không đồng đều, tỷ lệ học viên không đạt và vi phạm quy chế còn cao. Do dựa trên thế mạnh để tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mà một số cơ sở đào tạo trong Quân đội chưa chú ý đến nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành nghề, lĩnh vực, nên cơ cấu đào tạo bất hợp lý, các đối tượng cử tuyển, quân nhân xuất ngũ, chính sách xã hội được quan tâm nhưng số lượng còn hạn chế; cơ cấu bất cập cả về giới tính, dân tộc và vùng, miền, chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và cả nước. Công tác tham mưu, đề xuất ở một số cơ sở đào tạo tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với các cơ quan chức năng chưa khoa học, nên một số chuyên ngành đào tạo chưa sát với nhu cầu nguồn nhân lực mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi, gây lãng phí cho cơ sở đào tạo, xã hội và người học.
Hiệu quả khai thác, sử dụng các nguồn lực ở một số cơ sở đào tạo tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự còn hạn chế, bất cập, biểu hiện ở xu hướng: một là, ưu tiên quá mức cho nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, dẫn đến sự tập trung quá mức các nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự; hai là, đơn giản hoá nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự dẫn đến tình trạng buông lỏng công tác tổ chức, quản lý đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự; các nguồn lực không được huy động, khai thác, sử dụng tương xứng với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực dân sự; ba là, các nguồn lực ở một số cơ sở đào tạo tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự chưa được khai thác, sử dụng đúng, còn có tình trạng lãng phí, nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo; trình độ, năng lực chuyên môn, khả năng sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo của một bộ phận nhân viên phục vụ, đội ngũ nhà giáo còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và dân sự.
Đời sống của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lực lượng liên quan đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp còn khó khăn, nhất là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trẻ. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thù lao còn bất cập, chưa tương xứng với loại hình lao động đặc thù trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong môi trường sư phạm quân sự. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội tự hạch toán, cân đối thu chi. Với mức thu học phí theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội sẽ khó khăn trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.
Gắn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với giải quyết việc làm sau đào tạo ở một số cơ sở đào tạo trong Quân đội chưa tốt. Trong quá trình này, các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự mới chỉ chú ý đến các khâu, các bước và nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong khi đó, nhiều vấn đề khác liên quan đến việc làm cho người học chưa được quan tâm như: Vấn đề nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động để cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vừa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa phục vụ xuất khẩu lao động.
Thực hiện hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người lao động không nhiều. Thực hiện giải pháp hỗ trợ sau đào tạo như giới thiệu việc làm và một số chính sách xã hội khác cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các đối tượng quân nhân xuất ngũ, các đối tượng chính sách xã hội, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.