Thứ nhất, chuyển hóa mục tiêu trực tiếp của chiến tranh và hoà bình, mà cốt lõi là chuyển hóa mục tiêu chính trị. Khi mục tiêu chính trị đã thay đổi so với dự tính mục tiêu chính trị ban đầu, thì có thể dẫn đến quá trình chuyển hóa các yếu tố của chiến tranh sang các yếu tố hòa bình hoặc ngược lại. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đặt mục tiêu chiến lược xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, thay thế Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng chính quyền thân Mỹ.
Nhưng khi thấy mục tiêu này khó trở thành hiện thực, Mỹ phải chuyển sang thừa nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nghĩa là thực hiện việc chuyển hóa mục tiêu chính trị theo hướng hạn chế những khoản mục mà đòi hỏi phải giải quyết bằng chiến tranh. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973 là cột mốc đánh dấu sự chuyển hóa đó.
Thứ hai, chuyển hóa nhận thức, tình cảm, ý chí của các chủ thể chính trị, của cộng đồng dân chúng, của cộng đồng quốc tế về chiến tranh và hoà bình. Đây là trạng thái chuyển hóa quan trọng, tạo điều kiện cho việc thực hiện việc chuyển hóa các yếu tố của chiến tranh sang các yếu tố hòa bình hoặc ngược lại. Đối với sự chuyển hóa từ chiến tranh sang hòa bình, các chủ thể chính trị với tính cách là các bên tham chiến đã có sự thay đổi về nhận thức, tình cảm, ý chí đối với vấn đề chiến tranh. Cùng với sự nhận thức rõ ràng tính chất của chiến tranh và sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng dân chúng, của cộng đồng quốc tế đối với chiến tranh xâm lược, từ đó mà tất cả các bên tham chiến thực hiện việc chuyển hóa. Đối với sự chuyển hóa từ hòa bình sang chiến tranh cũng tương tự.
Thứ ba, chuyển hóa lực lượng, thế chiến lược chiến tranh và hoà bình, thể hiện ở sự lớn mạnh của các lực lượng yêu chuộng hòa bình hoặc sự thắng thế của lực lượng hiếu chiến. Lúc này, sự thay đổi cán cân chiến lược dẫn đến chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn bằng con đường hòa bình hay bằng con đường chiến tranh, không thể có thái độ lưng chừng được nữa. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi các bên tham chiến sau một thời gian tiến hành chiến tranh nhất định, tuy chưa phân biệt rõ ràng thắng thua nhưng cán cân so sánh lực lượng đã thay đổi.
Trong trường hợp sự so sánh đó nghiêng về phía các lực lượng tiến bộ, cách mạng, các quốc gia độc lập có chủ quyền, gắn với sự lớn mạnh của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trong và ngoài nước, thì sự thay đổi cán cân chiến lược bất lợi cho phía xâm lược, phản cách mạng, phản tiến bộ dẫn đến chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn bằng con đường hòa bình. Trong trường hợp ngược lại, khi lực lượng gây chiến hội đủ sức mạnh và nằm trong thế thắng thì các yếu tố vốn thuộc về hòa bình đều bị hút vào chiến tranh.
Trong bối cảnh thế giới đương đại, chuyển hóa giữa chiến tranh và hòa bình có những đặc trưng mới, biểu hiện mới, gắn với sự xuất hiện các lợi ích xuyên quốc gia và lợi ích toàn cầu, sự xuất hiện những định chế quốc tế... Trong điều kiện toàn cầu hóa, nhiều vấn đề lợi ích ngày càng mang tính toàn cầu, xuyên khu vực, xuyên quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế. Sự xuất hiện và phát triển những vấn đề toàn cầu như đói nghèo, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thảm họa thiên nhiên, tội phạm công nghệ cao, tin tặc, không tặc, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố... hiện nay càng làm cho lợi ích của các quốc gia, dân tộc trên thế giới trở nên gắn bó với nhau hơn, các quốc gia giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhau hơn.
Chính vì những lý do khách quan trên, nếu chiến tranh xảy ra, kéo dài thì không chỉ gây tổn hại cho các bên trực tiếp tham chiến, mà còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thế giới, đe dọa an ninh và ổn định đời sống nhân loại. Trong điều kiện đó, quy luật chuyển hóa các yếu tố của chiến tranh sang các yếu tố hòa bình được sự thúc đẩy bởi lợi ích của các quốc gia, dân tộc, của các khu vực, của cả cộng đồng quốc tế. Trong trường hợp ngược lại, khi lợi ích của đất nước không gắn kết được với các lợi ích xuyên quốc gia và các lợi ích toàn cầu, thể chế chính trị bị cô lập với các định chế quốc tế, thì những lợi thế của nền chính trị thời bình của đất nước thường bị phá sản, vô hiệu hóa và thay vào đó là khuynh hướng buộc phải giải quyết bằng con đường chiến tranh.
Giải đáp lý luận về chiến tranh và hòa bình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ chính trị. Cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận về nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình đang trở nên rất nóng bỏng hiện nay. Về bản chất, chiến tranh và hòa bình đều là sự kế tục của chính trị, và chỉ có thể nhìn nhận, dự báo chính xác vấn để chiến tranh và hòa bình dưới góc độ kế tục của chính trị. Tất nhiên, sự kế tục chính trị bằng chiến tranh hoặc bằng con đường hòa bình bao hàm những cách thức riêng. Song, chiến tranh và hoà bình đều bộc lộ những vấn đề bản chất, tính quy luật cần nắm bắt để vận dụng sáng tạo.
Mối quan hệ giữa chính trị với chiến tranh và hòa bình là mối quan hệ phụ thuộc, tương tác, chuyển hóa lẫn nhau giữa cái toàn thể với cái bộ phận và đều bộc lộ cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Đặc biệt, sự ràng buộc, chế ước, quy định lẫn nhau, cũng như sự tương tác qua lại và nhất là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chiến tranh và hòa bình là một trong những điểm cốt lõi về lý luận.