Đặc biệt, giai đoạn mà nền kinh tế đất nước tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh thường khó tránh khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế do vừa thoát ra từ nền kinh tế thời chiến. Nhìn chung, kinh tế - xã hội thời bình phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển dân sinh, còn kinh tế - xã hội thời chiến chủ yếu phục vụ trực tiếp cho yêu cầu chiến tranh. Theo đó, phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hòa bình có nhiều điểm khác hẳn so với phương thức phát triển kinh tế - xã hội thời chiến, tuy có những điểm chung nhất định và tuân theo quy luật chung nhất định.
V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh, trong thời bình, bắt buộc phải thi hành là: một mặt, hết sức dốc toàn lực ra để làm cho nền kinh tế nước ta phát triển được nhanh chóng nhất, để tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước, để xây dựng quân đội xã hội chủ nghĩa hùng mạnh; mặt khác, trên trường chính trị quốc tế, nhất thiết phải thi hành một sách lược tùy cơ ứng biến, lùi bước, chờ đợi cho đến lúc cách mạng vô sản thế giới chín muồi hẳn”. Ở nước ta, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tập trung chỉ đạo công việc diệt “giặc dốt”, “giặc đói”, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức mạnh cho chế độ mới, ngăn chặn và làm thất bại “giặc ngoại xâm”.
Tất nhiên, phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hòa bình cũng phải tính đến nhu cầu thời chiến để sẵn sàng cho chiến tranh nếu xảy ra. Song, nếu như kinh tế - xã hội thời chiến vận hành theo phương thức mệnh lệnh - phục tùng mang tính chất tập trung, quan liêu, bao cấp là phù hợp, thì phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hòa bình trước hết do những quy luật kinh tế quy định.
Vấn đề chú ý ở đây là, khi đã chuyển giai đoạn sang thời chiến hoặc từ thời chiến sang thời bình, thì điều cơ bản có tầm quan trọng đặc biệt là phải chuyển đổi cơ chế và phương thức vận hành kinh tế - xã hội cho phù hợp. Mọi sự chậm trễ, sai lầm trong vấn đề chuyển giai đoạn này đều có thể dẫn đến hậu quả nguy hại đối với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và công cuộc lao động hòa bình xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh thế giới đương đại, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, cùng với xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt là toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, bản chất, tính quy luật của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội thời bình nói riêng đã có sự phát triển mới.
Ngoài việc vận hành theo quy luật kinh tế của những yếu tố nội tại, sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, dân tộc còn chịu quy định của những yếu tố thế giới, yếu tố mang tính toàn cầu như hợp tác quốc tế về kinh tế, trao đổi thương mại và khoa học công nghệ, nguồn lực phát triển đa phương... cùng những tác động tiêu cực như khủng hoảng nợ công, khủng hoảng kinh tế - xã hội, suy thoái kinh tế... trên thế giới và ở các khu vực trong không gian toàn cầu hóa.
Phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hòa bình còn tuân theo những quy luật mang tính quốc tế, như các quy định, quy tắc của các tổ chức, thiết chế kinh tế, thương mại, tài chính thế giới, khu vực, cũng như yêu cầu mới về phát triển xã hội như xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện dân chủ hóa đời sống kinh tế, xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, các vấn đề toàn cầu...