Các hình thái hòa bình (Phần 1)

Lương Đàm
Lịch sử xã hội loài người vận động biến đổi không ngừng, cho đến nay đã trải qua bốn hình thái kinh tế - xã hội và đang quá độ tiến vào hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, theo đúng quy luật vốn có của nó.

article-1-1698683669.jfif

V.I. Lênin - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ảnh: Tư liệu.

Đó là tất yếu khách quan mà C.Mác đã từng khẳng định: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”. Rõ ràng, trong thực tiễn lịch sử, xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản đều là những chỉnh thể cấu trúc xã hội dựa trên cốt lõi của nó là một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử nhân loại.

V.I. Lênin cũng nhấn mạnh vấn đề có tính phương pháp luận rất quan trọng là: “Người duy vật không phải chỉ nêu lên tính tất yếu của quá trình, mà còn làm sáng tỏ hình thái kinh tế - xã hội nào đã đem lại nội dung cho quá trình đó và chính giai cấp nào đã quyết định tính tất yếu của quá trình ấy”. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở phương pháp luận rất quan trọng cho việc xem xét các kiểu hòa bình trong lịch sử xã hội loài người.

Tiếp cận các kiểu hòa bình gắn với hình thái kinh tế - xã hội là cách tiếp cận tổng quát, mang tính khoa học cao, bởi trả lời được thực chất chính trị của hòa bình, những nét cơ bản chung nhất của hòa bình trong sự vận động của lịch sử xã hội loài người. Sự vận động của lịch sử xã hội loài người dựa trên nền tảng sự vận động của các phương thức sản xuất vật chất, cùng với cơ cấu xã hội trong mỗi thời đại, và do đó nhìn phổ quát là sự vận động trong hòa bình, dù bị gián đoạn bởi những thời kỳ có chiến tranh khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhưng chính sự gián đoạn lịch sử ấy làm xuất hiện khái niệm hòa bình với tính cách đối lập với khái niệm chiến tranh, và cũng nhờ đó mà bản chất hòa bình là kế tục của chính trị mới được bộc lộ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận nghiên cứu hòa bình và các hình thái hòa bình gắn với hình thái kinh tế - xã hội cần phải được cụ thể hóa hơn. Có như thế thì mới vừa bao quát được toàn bộ những nét chung nhất về hòa bình, đồng thời có thể chỉ ra được những trạng thái, những biểu hiện của hòa bình, những dạng thức hòa bình, những yếu tố phản ánh và quy định nền hòa bình. Nền hòa bình và các trạng thái hòa bình cần được nghiên cứu, xem xét kỹ và đặt trong điều kiện lịch sử cụ thể của quốc gia, dân tộc, của khu vực và thế giới, kể cả đặt trong bối cảnh từng cuộc chiến tranh.

article-1698683575.jfif

Hàng vạn quần chúng đã tổ chức tuần hành, mít tinh để chào đón V.I. Lênin, người con ưu tú của nước Nga tại nhà ga ở thành phố Petrograd. Ảnh: Tư liệu.

Đó là những nét phát triển mới về cách tiếp cận nghiên cứu hòa bình và các hình thái hòa bình gắn với hình thái kinh tế - xã hội trong sự đan xen, hỗn dung, liên kết, xen lồng, phức hợp... của nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, tư tưởng. Đặc biệt, đó là sự đối sánh giữa hòa bình với hiện tượng chiến tranh, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Mọi quan niệm, khái niệm về hòa bình, cũng như việc chỉ ra các dạng thức, các kiểu loại hòa bình sẽ trở nên phi thực tiễn, thiếu cơ sở khoa học khi không được đặt trong mối quan hệ với vấn đề chiến tranh, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc...

Các hình thái hòa bình luôn gắn với từng hình thái kinh tế – xã hội và có thể được tiếp cận theo nhiều góc độ.

Theo tính chất hoạt động của chủ thể duy trì nền hòa bình, có các hình thái hòa bình cụ thể như: Hòa hoãn, hưu chiến, đình chiến, hủy chiến, bang giao hữu hảo, định chế hoà bình quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là hiệp ước và hoà ước. Hiệp ước là “một loại điều ước ký kết giữa các chính phủ, thông thường có hiệu lực trong nhiều năm, nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự... có liên quan đến các nước đó như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước thương mại và hàng hải...”.

Hiệp ước thể hiện rõ tính chất hoạt động của chủ thể trong việc thiết lập và duy trì nền hòa bình. Cùng với hiệp ước còn có hòa ước, là “một loại điều ước quốc tế dùng để củng cố về mặt pháp lý việc chấm dứt chiến tranh hay tình trạng chiến tranh, khôi phục quan hệ hòa bình giữa các nước tham chiến. Thông thường gồm các điều khoản về chấm dứt các hoạt động quân sự và chấm dứt tình trạng chiến tranh, giải quyết các vấn đề lãnh thổ, bồi thường chiến tranh, trao trả tù binh, hiệu lực của các điều ước quốc tế ký kết trước chiến tranh...”

Điển hình như ở Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Nhà nước ta đã cố gắng tìm mọi cách để duy trì nền hòa bình của dân tộc, thực hiện các hòa ước, hiệp ước, tạm đình chiến, đình chiến, hủy chiến, bang giao hữu hảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên vấn đề phải có một nền hòa bình thực sự trong độc lập, tự do: “Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”.

article-2-1698683813.jfif

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (ảnh trái); Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh phải). Nguồn ảnh: TTXVN

Năm 1946, để cứu vãn nền hòa bình mong manh của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký kết với Chính phủ Pháp một bản hiệp định tạm đình chiến, thể hiện khát vọng của nhân dân ta về hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh. Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hiệp định Pari năm 1973... về thiết lập và duy trì nền hòa bình được ký kết giữa Việt Nam với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược cũng là những điển hình về hình thái hòa bình này.

Theo phạm vi không gian, có các hình thái hòa bình thế giới, hòa bình khu vực, hòa bình giữa hai bên tham chiến (và cũng được thể hiện ở hòa ước, hiệp ước, định ước, hiệp định đình chiến). Còn theo phạm vi thời gian, có hòa bình tạm thời, hòa bình có điều kiện, hòa bình lâu bền, hòa bình vĩnh viễn. Tuy nhiên, hòa bình tạm thời, hòa bình có điều kiện là những hình thái trở nên phổ biến và thực tế hơn.

Trong những năm đầu thành lập nước Việt Nam mới, Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp là một hiệp định tiêu biểu về tính chất hòa bình tạm thời. Theo Hiệp định, nước Pháp phải công nhận Việt Nam một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng, song nằm trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp. Việt Nam thỏa thuận cho quân đội Pháp vào thay quân đội Trung Hoa dân quốc (quân đội Tưởng Giới Thạch) trong thời hạn không quá 5 năm. Hai bên thực thi đình chiến, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí đóng quân để tiến hành đàm phán chính thức. Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp đã tạo cho Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, loại bớt được một kẻ thù nguy hiểm là 20 vạn quân Tưởng. Trên thực tế, Chính phủ thực dân Pháp không tôn trọng Hiệp định, còn Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên trì đấu tranh thực hiện và được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới, cả ở Pháp.

Theo mục đích chính trị là cách tiếp cận thể hiện trực tiếp và rõ ràng bản chất nền chính trị mà hòa bình cần kế tục của các bên, các chủ thể liên quan. Theo cách tiếp cận này, có hòa bình trong độc lập, tự do; có hòa bình trong sự lệ thuộc, phụ thuộc vào bên ngoài; có hòa bình trong sự nô lệ, bị ngoại bang thống trị. Sự nghiệp đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, giành hòa bình, gìn giữ, bảo vệ và củng cố nền hòa bình thực sự và độc lập dân tộc ở nước ta là thực tiễn điển hình về mục đích chính trị mà nhân dân ta theo đuổi trong thực hiện nền hòa bình ở Việt Nam.

article-4-1698683940.jfif

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi (ảnh trái); Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ảnh phải). Nguồn ảnh: TTXVN

Trong thực tiễn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định, muốn có hòa bình thực sự, trước hết nhân dân ta phải giành độc lập dân tộc, phải “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, phải “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Và khi đã có độc lập, thì “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi”. Người còn cho rằng, cần phải đẩy mạnh các hoạt động chính trị và ngoại giao để không cho chiến tranh xảy ra, để ngăn chặn bàn tay hiếu chiến của kẻ thù. Như vậy, mục đích chính trị của nhân dân ta lúc này là phấn đấu hết mình để có nền hòa bình thực sự.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến