Quy luật của chiến tranh (Phần 1)

Lương Đàm
Trong lịch sử đã có nhiều nhà tư tưởng quân sự nghiên cứu về quy luật của chiến tranh. Ngô Khởi, nhà tư tưởng quân sự Trung Quốc cổ đại, từng khuyến cáo không nên tiến hành chiến tranh nếu không hội đủ yếu tố lợi thế trước đối phương.
sadler-battle-of-waterloo-kopija-1698161442.jpg
Ph.Claudơvít là nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ. Ảnh: Internet

Song cũng có những học giả lớn như Ph.Claudơvít lại phủ nhận các quy luật của chiến tranh, cho rằng chiến tranh là vương quốc của ngẫu nhiên, rằng người lãnh đạo chiến tranh không khác nào thuyền trưởng lái con tàu đi giữa bãi đá ngầm trong đêm tối mà không có la bàn. Ngày nay, để biện hộ cho chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nhiều học giả tư sản cũng đã cố tình phủ nhận quy luật của chiến tranh.

Với bản chất cách mạng và khoa học, học thuyết Mác Lênin về chiến tranh đã khẳng định sự tồn tại tất yếu các quy luật của chiến tranh, chứng minh sâu sắc vị trí, vai trò, nội dung, cơ chế tác động của mỗi quy luật và mối quan hệ giữa các quy luật của chiến tranh trong hệ thống của nó. Quy luật của chiến tranh là những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, ổn định, phổ biến giữa các mặt, các yếu tố của chiến tranh, quyết định sự nảy sinh, tiến trình và kết cục của chiến tranh.

Quy luật của chiến tranh nảy sinh từ sự tương tác mang tính tất yếu, phổ biến, bền vững giữa những mặt, những yếu tố của chiến tranh, vốn được hình thành khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Dù con người có nhận thức được hay không, chúng vẫn chi phối hoạt động của họ. Và, dù con người có chán ghét chiến tranh đến đâu thì quá trình tích tụ những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội vẫn làm nảy sinh nguy cơ chiến tranh, cũng như khi chiến tranh nổ ra thì sẽ tự vạch đường đi của nó xuyên qua vô số ngẫu nhiên để dẫn đến kết cục của chiến tranh một cách tất yếu.

Tuy nhiên, các quy luật của chiến tranh thuộc nhóm quy luật xã hội, do vậy dù mang tính tất yếu khách quan song cũng chỉ vận hành thông qua hoạt động của con người. Cũng theo đó mà quy luật của chiến tranh mang tính hướng đích, tính lịch sử cụ thể, gắn với không gian, thời gian, điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Hơn nữa, chiến tranh là một hiện tượng xã hội đặc thù, xuất hiện, tồn tại gắn liền với cuộc đấu tranh vũ trang giữa các tập đoàn người thuộc các giai cấp, dân tộc trong xã hội, với hoạt động đối kháng mang tính sống còn giữa các chủ thể, hướng tới những lợi ích không thể điều hoà.

Do vậy, so với các quy luật xã hội khác, quy luật của chiến tranh phức tạp hơn, biểu hiện ở quá trình ngày càng gia tăng các yếu tố ngẫu nhiên, mất ổn định. Tính nhanh chóng và có nhiều đột biến thể hiện rõ nhất ở diễn biến của các quy luật trong nhóm quy luật đấu tranh vũ trang. Với sức công phá mang tính huỷ diệt của vũ khí, cán cân so sánh lực lượng của các bên tham chiến có thể thay đổi lớn trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi.

Quy luật về mục đích chính trị của các bên tham chiến quy định sự nảy sinh, tiến trình và kết cục của chiến tranh

Đây là quy luật quan trọng nhất của chiến tranh, do phản ánh sự đối kháng về bản chất của các bên tham chiến có thể nảy sinh chiến tranh hay không, đồng thời ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ tiến trình, kết cục của chiến tranh. Chiến tranh về bản chất là sự tiếp tục, kế tục của chính trị, là chính trị từ đầu tới cuối, nên sự xuất hiện cũng như toàn bộ diễn biến, kết cục của nó vừa là biểu hiện của quá trình vận động, phát triển và chuyển hóa của mâu thuẫn về mục đích chính trị giữa các bên tham chiến, vừa là phương thức bắt buộc để giải quyết sự đối kháng ấy.

Trong từng giai đoạn chiến tranh cũng vậy, tính chất và trình độ đối kháng về mục đích chính trị giữa các bên tham chiến là căn nguyên không chỉ quy định quy mô, hình thức, nội dung tính chất, phương pháp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao..., mà còn quyết định thời điểm triển khai, diễn biến, độ dài các chiến dịch. Đối kháng về mục đích chính trị càng lớn thì diễn biến chiến tranh càng phức tạp, kết cục chiến tranh càng khó khăn, xung đột vũ trang càng gay go, quyết liệt và ngược lại.

doan-25-1698161669.jpg
Phong trào đấu tranh của thanh niên và nhân dân miền Nam và miền Bắc góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975. Ảnh: Tư liệu

Quy luật này tác động đến tất cả các lực lượng tham gia chiến tranh, chi phối tất cả các mối quan hệ, các quy luật khác của chiến tranh thông qua tác động trực tiếp đến toàn bộ trạng thái tinh thần của quân đội và nhân dân các bên tham chiến, thể hiện đặc biệt đậm nét trong cuộc chiến tranh giữa một bên là chính nghĩa và một bên là phi nghĩa. Mục đích tiến hành chiến tranh là tiến bộ, cách mạng sẽ là ưu thế, điều kiện tiên quyết để phát động quần chúng nhân dân tiến hành chiến tranh, khơi dậy, quy tụ, phát triển mọi tiềm năng của dân tộc và quốc tế thành nguồn lực cơ bản giành thắng lợi.

Còn đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhà nước không thể tiến hành chiến tranh nếu quần chúng nhân dân thấu hiểu mục đích phản động của cuộc chiến tranh ấy. V.I. Lênin viết: “Một vua Phổ ở thế kỷ XVIII đã nói một câu rất thông minh: “Nếu quân lính của chúng ta hiểu tại sao chúng ta đánh nhau, thì chúng ta sẽ không thể tiến hành một cuộc chiến tranh nào cả”. Do vậy, việc tuyên truyền sâu rộng mục đích tiến hành chiến tranh chính nghĩa gắn với việc kịp thời vạch trần mục đích chính trị phản động của các thế lực đế quốc xâm lược trước dư luận trong và ngoài nước luôn có ý nghĩa bảo đảm thắng lợi của các cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Quy luật về tiến trình và kết cục của chiến tranh phụ thuộc vào so sánh sức mạnh tổng hợp của các bên tham chiến

Sức mạnh để tiến hành chiến tranh, dù chiến tranh xâm lược hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đều không chỉ là sức mạnh quân sự mà luôn bao gồm tổng hợp các tiềm lực: Kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự. Đương nhiên, khi chiến tranh xảy ra, tất cả các tiềm lực ấy phải được chuyển hóa thành so sánh sức mạnh hiện hữu. Bên tham chiến nào sở hữu và biết cách sử dụng sức mạnh tổng hợp ưu việt hơn luôn giành chiến thắng.

Trước hết là so sánh sức mạnh kinh tế: Trong rất nhiều nhân tố tham gia chiến tranh, bao giờ nhân tố kinh tế cũng giữ vai trò nền tảng, quyết định. Ưu thế về kinh tế trong bảo đảm nhu cầu vật chất cần thiết cho chiến tranh luôn luôn là cơ sở để xây dựng tiềm lực tổng hợp. Đồng thời, ưu thế về kinh tế cũng làm tăng khả năng phá hoại các tiềm lực của đối phương. Bên nào có được ưu thế về kinh tế sẽ chủ động hơn trong việc chuyển hóa so sánh lực lượng nhằm thúc đẩy tiến trình của chiến tranh theo hướng có lợi.

Tất nhiên, so sánh sức mạnh kinh tế trong chiến tranh là so sánh toàn diện: Khả năng tiếp tục sản xuất đáp ứng nhu cầu vật chất của xã hội trong điều kiện thời chiến, khả năng sản xuất những thứ cần thiết cho chiến tranh. Quy luật này đã được thể hiện phổ biến trong lịch sử chiến tranh và hiện nay vai trò của nó càng phát huy tác dụng. Trước hết, đó là vì nhu cầu kinh tế của chiến tranh hiện đại ngày càng tăng; hơn nữa, sự chuyển hóa giữa sản xuất dân sinh và sản xuất phục vụ quân sự ngày càng năng động; thêm vào đó là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong thế giới hội nhập.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến