Bản chất của chiến tranh (Phần 1)

Lương Đàm
Các nhà kinh điển mácxít mặc dù không bàn chuyên về lý luận quân sự, nhưng đã nghiên cứu, luận giải sâu sắc, đầy đủ sự phong phú, phức tạp của chiến tranh để giúp giai cấp công nhân có cách nhìn nhận và xử lý đúng đắn vấn đề. Theo đó, chiến tranh là hiện tượng chính trị xã hội mang tính lịch sử được biểu hiện bằng cuộc đấu tranh vũ trang giữa các giai cấp, nhà nước hoặc liên minh nhà nước nhằm đạt tới mục đích chính trị nhất định.
https-tf-cmsv2-smithsonianmag-medias3amazonawscom-filer-public-eb-bc-ebbc01d2-992b-4270-b495-89bd6ebc3158-jun2022-h17-wwimemorial-1697125967.jpg
Chiến tranh là cuộc đấu tranh vũ trang giữa các giai cấp, dân tộc, nhà nước. Ảnh: Internet

Do bắt nguồn từ quan hệ giữa người và người, cụ thể là quan hệ giữa các chủ thể chính trị, các giai cấp, các dân tộc, các nhà nước hoặc liên minh nhà nước, nên chiến tranh là hiện tượng chính trị xã hội mang tính lịch sử. Chiến tranh không phải là hiện tượng siêu tự nhiên, nằm ngoài thế giới hiện thực hoặc mang tính định mệnh. Chiến tranh cũng không tồn tại vĩnh viễn cùng xã hội loài người, mà chỉ nảy sinh, tồn tại gắn với những điều kiện lịch sử cụ thể, và cũng sẽ mất đi khi những điều kiện đó không còn.

Khác với các hiện tượng chính trị xã hội khác, hình thức biểu hiện đồng thời là phương thức tồn tại cơ bản của chiến tranh chính là cuộc đấu tranh vũ trang giữa các giai cấp, dân tộc, nhà nước. Trong hình thái kinh tế xã hội không có sự phân chia giai cấp thì sự diễn tiến của các hiện tượng xã hội không hề mang tính chất chính trị, nên không cần đến hình thức đấu tranh vũ trang mang tính nhà nước mà đỉnh điểm là chiến tranh. Và, ngay cả trong hình thái kinh tế - xã hội có đấu tranh giai cấp, khi chính trị đã trở thành trục xuyên suốt của sự vận hành xã hội, thì cũng không phải bất cứ động thái chính trị nào cũng dẫn đến chiến tranh. Chỉ với những động thái chính trị bắt buộc phải được giải quyết bằng đấu tranh vũ trang mang tính nhà nước thì mới nằm trong phạm trù chiến tranh.

Đương nhiên, chiến tranh được tiến hành chính là nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định, mà suy cho cùng là lợi ích kinh tế của giai cấp, nhà nước, dân tộc. Chiến tranh hướng tới giải quyết quan hệ giữa các giai cấp, nhà nước, dân tộc xung quanh việc giành, giữ, sử dụng chính quyền nhà nước, điển hình là quan hệ đối kháng giữa các quốc gia nhằm bảo vệ nền độc lập, thống nhất toàn vẹn chủ quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, vùng đất, vùng trời, vùng biển... của mình với quốc gia hoặc liên minh quốc gia xâm lược.

che-do-tu-huu-xuat-hien-1697126145.jpg
Chiến tranh đã xuất hiện ngay từ công xã nguyên thủy. Ảnh: Internet

Nguồn gốc chiến tranh cũng được các trường phái lý luận khác nhau giải thích bằng nhiều cách khác nhau, do liên quan trực tiếp tới lợi ích của các giai cấp, các nhà nước, các dân tộc, các tập đoàn người nhất định nên thường bị che giấu và là một trong những tâm điểm của cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận.

C.Mác và Ph.Ăngghen, trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, bằng những cứ liệu lịch sử xác đáng từ nhà sử học Moócgan, đã khẳng định chiến tranh không xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện loài người trên trái đất. Hàng vạn năm dưới thời đại công xã nguyên thuỷ đã từng có những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu giữa các bộ tộc, bộ lạc nhằm tranh giành khu vực săn bắn, hái lượm, nhưng tuyệt nhiên những cuộc xung đột vũ trang ấy không thể được coi là chiến tranh. Bởi vì, về mặt quân sự, thời kỳ đó chưa có lực lượng vũ trang chuyên biệt, chưa có vũ khí chuyên dụng, tất cả các thành viên của bộ tộc, bộ lạc đều tham gia xung đột vũ trang với công cụ sản xuất thường ngày.

Quan trọng hơn, lúc này chưa có giai cấp, chưa có nhà nước, nên cũng chưa có khái niệm nô dịch, thống trị. Vì thế “kẻ thù bại trận... đàn ông bị đem giết hoặc được thu nhận làm anh em trong bộ lạc của kẻ chiến thắng; còn đàn bà thì người ta lấy làm vợ hoặc cũng thu nhận cùng với con cái còn sống sót của họ vào bộ lạc”.

Chỉ khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời cùng sự xuất hiện đối kháng giai cấp, sự gặp gỡ giữa lòng tham lam vô độ của giai cấp thống trị với tổ chức bạo lực do nó sinh ra “làm cho người ta quan niệm rằng sống bằng lao động của mình là một hoạt động chỉ xứng với những người nô lệ và nhục nhã hơn là đi cướp bóc” thì “chiến tranh và tổ chức để tiến hành chiến tranh đã trở thành những chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của nhân dân”. “Chiến tranh, trước kia chỉ được tiến hành để trả thù những vụ xâm lược hoặc để mở rộng một lãnh thổ đã trở nên chật hẹp, thì bây giờ được tiến hành chỉ nhằm mục đích cướp bóc, và đã trở thành một nghề thường xuyên”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến