Thực tiễn lịch sử thế giới cũng đã để lại những kinh nghiệm lớn về nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong phát triển quốc gia, dân tộc. Để tiếp thu một cách chọn lọc và vận dụng thành công những kinh nghiệm ấy, trước hết phải định hình được khung lý luận cơ bản, đồng thời xác định hệ quan điểm chính thống. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, sự chuyển hóa giữa chiến tranh và hòa bình xảy ra cực kỳ nhanh chóng, nếu không dự liệu trước chắc chắn sẽ bị bất ngờ về chiến lược.
Hòa bình ngày nay mang tính toàn cầu hóa, không chỉ là khát vọng của mọi quốc gia, dân tộc mà còn là một thực thể địa - chính trị - xã hội - mang tính chính thể và bền vững. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra ở phạm vi từng quốc gia, từng khu vực và thậm chí vẫn có nguy cơ tiềm ẩn của sự lan rộng ra phạm vi thế giới.
Xét về phương diện kỹ thuật quân sự và nghệ thuật quân sự, chiến tranh hiện đại phổ biến là chiến tranh công nghệ cao nên có những đặc trưng rất khác trước, thậm chí kéo theo cả sự biến đổi ít nhiều về bản chất chiến tranh. Trong nhiều trường hợp, sự chuyển hóa bằng hòa bình còn nguy hiểm hơn chiến tranh. Tất cả những động thái ấy đòi hỏi phải nhìn nhận lại những vấn đề lý luận cơ bản của chiến tranh và hòa bình để góp phần xây dựng học thuyết chính trị cho sự phát triển quốc gia, dân tộc.
Đối với nước ta, thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc luôn liên quan chặt chẽ đến vấn đề chiến tranh và hòa bình. Đặc biệt, thực tiễn lịch sử tiến hành chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành bài học kinh nghiệm lớn chỉ đạo nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay. Tuy nhiên, diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang xuất hiện những động thái mới, đòi hỏi phải có những đối sách thực tiễn phù hợp.
Thực trạng bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; tình hình biển Đông, tình hình tam giác chiến lược Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ; những bức xúc xã hội ngày càng có khuynh hướng chuyển sang bức xúc chính trị... đã, đang và sẽ tiếp tục đòi hỏi Đảng và Nhà nước sớm dự báo hàng loạt vấn đề thực tiễn về tình huống và loại hình chiến tranh mới; nét mới về chuyển hóa chiến tranh - hòa bình; tiền đề, điều kiện mới ngăn ngừa chiến tranh; tiền đề, điều kiện mới xây dựng môi trường hòa bình và gìn giữ hòa bình... Tất nhiên, từ dự báo đi đến giải pháp thực tiễn dứt khoát cần có sự nghiên cứu thấu đáo và thật sự khoa học.
Trong bối cảnh thế giới đương đại, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn là hòa bình, đối thoại, hợp tác, hội nhập đa phương... Song, chỉ có thể thực hiện được điều đó khi chúng ta tự xây dựng và tạo lập được hệ thống tiềm lực nội sinh mạnh mẽ và bền vững, trong đó xét về quốc phòng trước hết phải là xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân nhằm giữ môi trường hòa bình cho công cuộc đổi mới đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế lại đòi hỏi dứt khoát phải xác định những vấn đề có tính chiến lược trên cơ sở nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Chỉ có nghiên cứu thấu đáo về chiến tranh và hòa bình trong lịch sử và đương đại cùng những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay thì mới có cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất mô hình, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân thực sự vững chắc, gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó mọi tình huống, bảo đảm cho đất nước “hội nhập nhưng không hòa tan”.
Quan niệm về chiến tranh là rất khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn của nhà nghiên cứu, mặc dù chiến tranh cùng với các thảm họa tự nhiên luôn gây nên nỗi kinh hoàng chung cho con người. Những người duy tâm hoặc theo tôn giáo cho chiến tranh là hành vi của các đấng siêu nhiên nhằm trừng phạt tội lỗi của nhân loại; trong khi phái duy vật tầm thường lại đồng nhất chiến tranh với hành động bản năng của con người.
Trong lịch sử tư tưởng về chiến tranh, các quan điểm của Arixtốt, Hêghen và Ph.Claudơvít đã đi sâu vào bản chất vấn đề và để lại dấu ấn đậm nét hơn cả. Arixtốt cho rằng chiến tranh là nghệ thuật để kiếm chác nô lệ. Hêghen vận dụng phép biện chứng phân tích hiện tượng chiến tranh và cho rằng chiến tranh là nghệ thuật của chính trị. Ph.Claudơvít phát triển sâu luận điểm của Hêghen và coi chiến tranh là hành vi bạo lực dùng để buộc đối phương phục tùng, là hoạt động mà mỗi bên huy động sức mạnh không hạn độ để giành chính trị. Nhìn chung, các bậc tiền bối đã ít nhiều chỉ ra quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, trong đó bạo lực vũ trang là đặc trưng cơ bản của chiến tranh, song do quan niệm về chính trị chưa rõ ràng nên khái niệm chiến tranh còn sơ giản.