Bản chất của chiến tranh (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Nguyên nhân của chiến tranh, thực chất là tổng hòa cơ chế nảy sinh chiến tranh, chỉ có thể được hiểu đúng khi đứng vững trên quan điểm Mác - Lênin về mối quan hệ nhân - quả.
nguyen-nhan-dien-bien-tinh-chat-va-hau-qua-cua-chien-tranh-the-gioi-thu-nhatthumb-1697126887.jpg
Nguyên nhân của chiến tranh phải được xét ở nhiều cấp độ. Ảnh: Tư liệu

Phép biện chứng duy vật mácxít chỉ rõ trong mối quan hệ nhân - quả, nguyên nhân là sự tương tác giữa các mặt, các bộ phận, hoặc các sự vật, hiện tượng gây nên sự biến đổi nào đó; còn kết quả chính là bản thân sự biến đổi tất yếu, khách quan do sự tương tác ấy gây ra. Với nhận thức ấy, có thể phân định rõ nguyên nhân của chiến tranh không đồng nhất với nguồn gốc chiến tranh vốn phản ánh những tiền đề chính trị mà chiến tranh nói chung sẽ kế tục. Nguyên nhân của chiến tranh luôn gắn với các cuộc chiến tranh cụ thể, song là sự tích hợp tất cả các cấp độ của nó: phổ biến, đặc thù và đơn nhất.

Xét ở cấp độ phổ biến, đóng vai trò nguyên nhân cơ bản của mọi cuộc chiến tranh nói chung là sự tương tác giữa chế độ tư hữu và tổ chức bạo lực vũ trang được xây dựng trên cơ sở chế độ tư hữu ấy. Từ khi xuất hiện trong lịch sử, chế độ tư hữu luôn đẩy người chủ sở hữu đến khát vọng chiếm đoạt lợi ích, theo đó tìm mọi thủ đoạn, kể cả việc dùng chiến tranh sát hại hàng triệu sinh mạng để cướp đoạt nhanh nhất, nhiều nhất. Nhưng bản thân chế độ tư hữu với tư cách là thực thể kinh tế - chính trị không thể phát động và tiến hành chiến tranh khi chưa tìm ra công cụ bạo lực có khả năng tác chiến vũ trang.

Công cụ đó chính là các tổ chức bạo lực vũ trang, tập trung là quân đội, được xây dựng trên chính chế độ tư hữu này. Với nhu cầu phát triển tổ chức, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện quân sự..., quân đội luôn có xu hướng tự thể hiện, tự khẳng định lý do tồn tại gắn liền với khả năng xuất hiện chiến tranh. Đương nhiên, chỉ riêng quân đội không thể tiến hành chiến tranh mà còn cần đến tiềm lực kinh tế to lớn từ các ông chủ của chế độ tư hữu. Chiến tranh giúp hai thực thể này thỏa mãn nhu cầu, khát vọng chung, đồng thời kết nối hai thực thể ấy với những động thái kinh tế - chính trị dẫn đến chiến tranh.

Xét ở cấp độ đặc thù, sự tương tác trực tiếp dẫn đến chiến tranh có thể được coi chính là bước vận hành tiếp theo của nguyên nhân phổ biến nói trên khi tích hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà ở đó nguyên nhân phổ biến hội đủ các yếu tố để bộc phát qua tổng thể các mối tương tác thực tiễn. Có rất nhiều nhân tố tham gia tổng thể các mối tương tác thực tiễn ấy, trong đó quan trọng nhất là trạng thái tâm lý chung trong xã hội (chủ chiến hay chủ hòa) và đối sánh lực lượng giữa những kẻ hiếu chiến với lực lượng hòa bình trong từng quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế.

Nếu như sự tương tác giữa chế độ tư hữu và quân đội (được xây dựng trên chế độ tư hữu ấy) tạo nên khả năng tiềm tàng, thúc đẩy quá trình tích luỹ mâu thuẫn tăng dần về lượng khiến xã hội biến động theo hướng khủng hoảng, cùng với sự đối sánh, va chạm lực lượng nghiêng về các thế lực chủ chiến thì sự tích tụ những mâu thuẫn phổ biến sẽ được thúc đẩy đến bước nhảy vọt, dẫn đến bùng nổ chiến tranh.

14-08-2021-76-nam-su-kien-phat-xit-nhat-tuyen-bo-dau-hang-dong-minh-1581945-1582021-f5960ffe-details-1697127096.jpg
Ngày 10/8/1945, phát xít Nhật gửi bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng vô điều kiện theo Tuyên bố Postdam. Ảnh: tư liệu

Xét ở cấp độ đơn nhất, sự vận động thực tiễn của mâu thuẫn chính trị xã hội theo các cấp độ phổ biến, đặc thù trên đây khi kết hợp, tương tác với các tình huống cụ thể, các mâu thuẫn đỉnh điểm cùng hoạt động của giới lãnh đạo sẽ dẫn đến tình huống “giọt nước tràn ly”, mồi lửa làm bùng cháy dữ dội thùng thuốc súng đã được tích tụ, chuẩn bị trước. Khi nguyên nhân phổ biến và nguyên nhân đặc thù đã phát triển tột cùng và khi các tập đoàn hiếu chiến toàn quyền quyết định số phận của nền chính trị, chỉ cần một tình huống ngẫu nhiên về quân sự hay chính trị, như sai sót kỹ thuật của hệ thống cảnh báo chiến tranh, một chính khách bị khủng bố, ám sát... cũng có thể dẫn đến xảy ra chiến tranh.

Các cấp độ trên của nguyên nhân chiến tranh đều mang tính khách quan và có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tất nhiên đóng vai trò không ngang bằng nhau. Nguyên nhân phổ biến xét đến cùng quyết định sự xuất hiện chiến tranh, song nguyên nhân đặc thù và đơn nhất có thể thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của nguyên nhân phổ biến, theo đó kìm hãm hoặc thúc đẩy sự bùng nổ chiến tranh. Hơn nữa, khi nhìn nhận nguyên nhân của chiến tranh còn cần phân biệt với nguyên cớ chiến tranh mà thông thường là lý do phát động chiến tranh mang tính áp đặt chủ quan của các thế lực hiếu chiến phản động.

Trong điều kiện ngày nay, để ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ nền hòa bình, nhân loại tiến bộ phải tìm mọi cách để một mặt kìm hãm các nguyên nhân cá biệt, đơn nhất, không để xảy ra tình huống ngẫu nhiên về chính trị, quân sự gây bất lợi cho giữ gìn hòa bình, mặt khác phải cảnh giác, chủ động về chính trị, không để xảy ra các sự cố tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng viện cớ tiến hành chiến tranh xâm lược các quốc gia có chủ quyền.

Đồng thời, một vấn đề hết sức cơ bản là tranh thủ mọi lực lượng hòa bình, kể cả các nhà hoạt động chính trị xã hội trong các quốc gia gây chiến, đoàn kết các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới thành một khối vững chắc, tích cực đấu tranh ngăn chặn chiến tranh phi nghĩa của các thế lực phản động, bảo vệ hòa bình thế giới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến