Lực lượng và phương tiện tiến hành chiến tranh

Xét trong tính phổ biến của nó, việc tiến hành chiến tranh xâm lược thường chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự nhà nước và lực lượng vũ trang chuyên biệt là quân đội.
base64-1671610982239421424594-1698160966.png
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52. Ảnh: Ubkttw.vn

Ngược lại, lực lượng và sức mạnh tiến hành chiến tranh chống xâm lược, gìn giữ hòa bình, bảo vệ đất nước, nhất là của các quốc gia thua kém hơn về tiềm lực quân sự, thường là lực lượng của toàn dân tộc, dựa trên sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, xét đến cùng thì thắng lợi hay thất bại của cuộc chiến tranh đều do sức chiến đấu của người lính trên chiến trường trực tiếp quyết định.

Lực lượng tiến hành chiến tranh

Nhà nước là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm pháp lý và tổ chức, huy động sức mạnh của đất nước để tiến hành chiến tranh, đồng thời hướng chiến tranh đến giải quyết các mục tiêu chính trị được xác định. Nhà nước là người tuyên chiến, cũng là người ký kết các văn bản pháp lý quốc tế về chấm dứt chiến tranh. Nhà nước đứng ra tổ chức các lực lượng vũ trang, cung cấp vũ khí, trang thiết bị, tổng chỉ huy quân đội và huy động mọi nguồn lực của đất nước phục vụ chiến tranh. Nhà nước điều hành mọi phương diện kinh tế - xã hội để duy trì và phát triển trong hoàn cảnh thời chiến.

Cùng với Nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội lúc này đóng vai trò cánh tay nối dài của Nhà nước trong việc định hướng, tập hợp lực lượng và tổ chức nhân dân thành mặt trận đấu tranh chính trị chống chiến tranh và hậu thuẫn cho quân đội chiến đấu ở mặt trận. Hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội còn đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho Nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội thời chiến.

Nhân dân, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng đều là chủ thể quan trọng nhất trong đấu tranh duy trì và gìn giữ hòa bình, đồng thời cũng đóng vai trò nền tảng không thể thiếu để tiến hành chiến tranh, nhất là trong chiến tranh tự vệ. Xét đến cùng, mọi nguồn lực phục vụ chiến tranh từ nhân dân mà ra. Được nhân dân hậu thuẫn, ủng hộ thì quân đội mới có động lực chân chính và đủ sức mạnh chiến đấu. Nhân dân còn là chủ thể tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội thời chiến.

image001wueq-1663033855439-16630338565631024238721-16716096377441587034226-1698160966.jpg
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TTXVN

Lực lượng vũ trang trực tiếp đóng vai trò nòng cốt trong tiến hành chiến tranh bằng đấu tranh vũ trang. Lực lượng vũ trang đủ mạnh mới tạo ra được những đòn quyết chiến chiến lược trên chiến trường. Ở các nước tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược, lực lượng vũ trang còn đóng vai trò làm nòng cốt để tổ chức toàn dân đánh giặc rộng khắp. Chính vì vậy, lịch sử chiến tranh luôn gắn liền với lịch sử phát triển, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng vũ trang nhà nước, tức quân đội. Trong lịch sử quân sự, vũ khí trang bị và tính chất chiến tranh càng phát triển thì lực lượng vũ trang càng được tách ra một cách độc lập để hoạt động quân sự chuyên biệt. Hiện nay, cùng với xu thế tinh giảm quân đội là xu thế trí tuệ hóa lực lượng vũ trang nhằm đáp ứng nhu cầu cực cao của chiến tranh hiện đại.

Đồng minh quân sự ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong tiến hành chiến tranh, không chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia giữ gìn môi trường hòa bình và an ninh chung, mà còn ủng hộ, giúp đỡ hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu tình nguyện hoặc theo hiệp ước. Tuy nhiên, đồng minh trong chiến tranh thường gắn với các điều kiện lỏng lẻo. Trong tình hình hiện nay, vấn đề đồng minh trong chiến tranh có những động thái mới, nhất là về phía các lực lượng gây chiến thường mang tính chất rất phức tạp, thậm chí xuất hiện các “học thuyết mờ” về chiến tranh uỷ nhiệm, chiến tranh qua tay người khác...

Phương tiện tiến hành chiến tranh

Nói đến chiến tranh là nói đến đấu tranh vũ trang bằng các phương tiện chuyên biệt gọi chung là vũ khí. Từ thời cổ đại đến nay, nhân loại đã trải qua hàng nghìn cuộc chiến tranh lớn nhỏ, và vũ khí dùng cho chiến tranh cũng có lịch sử phát triển tương đối độc lập của nó, đến mức kéo theo những cải biến lớn về hoạt động đấu tranh vũ trang mà các nhà nghiên cứu gọi là cách mạng trong quân sự. Cùng với quá trình tiến hóa từ xã hội thị tộc và bộ lạc sang chế độ chính trị và nhà nước là quá trình lĩnh vực quân sự tách khỏi lĩnh vực sản xuất. Các quân đội đầu tiên bắt đầu hình thành, lấy công cụ lao động làm vũ khí và phương tiện chiến đấu. Về sau, sự phát triển công nghệ đúc, rèn... đã cho phép chế tạo và sử dụng các công cụ chuyên dùng cho mục đích tiến hành chiến tranh như dao, kiếm, nỏ, cung tên, gọi là vũ khí lạnh. Và quân đội trở thành chuyên biệt.

hoa-hoc-cua-thuoc-sung-1698161132.jpg
Thuốc súng là phát minh hơn 1000 năm trước của người Trung Quốc. Ảnh: Internet

Khi người Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ và ứng dụng nó trong quân sự, một thế hệ vũ khí mới gọi là vũ khí nóng như súng trường, súng cối, pháo... được tạo ra với uy lực sát thương lớn, từ đó dẫn đến sự thay đổi mang tính cách mạng trong tổ chức quân đội và nghệ thuật tiến hành chiến tranh. Cuộc cách mạng công nghiệp, hay còn gọi là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ nhất đánh dấu sự ra đời quá trình cơ giới hóa trong sản xuất công nghiệp. Một sáng chế quan trọng có tính đột phá trong lĩnh vực quân sự là vũ khí có nòng rãnh xoắn. Sáng chế này đã cho ra đời thế hệ vũ khí có độ chính xác cao hơn, tầm bắn xa hơn nhiều so với vũ khí nòng trơn.

Tiếp đó, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ hai tạo ra vô vàn các phát minh, sáng chế được áp dụng trong quân sự. Quân đội các nước bắt đầu được trang bị các loại súng máy tự động, pháo bắn nhanh, pháo bán tự động và tự động, pháo phòng không, xe tăng, xe bọc thép và đặc biệt là máy bay. Vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, vũ khí hạt nhân xuất hiện đã đưa loài người tới nguy cơ mới nguy cơ chiến tranh huỷ diệt. Trong bối cảnh thế giới đương đại. cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ ba được nhanh chóng áp dụng vào quân sự, tạo ra thế hệ phương tiện chiến tranh mới về chất, có tính đột phá. Đó là công nghệ điều khiển học, phương tiện vũ trụ quân sự, trí tuệ nhân tạo quân sự, vũ khí công nghệ cao hay là vũ khí điều khiển chính xác cao... Phương tiện chiến tranh càng hiện đại thì chiến tranh càng nguy hại. 

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến