Các kiểu loại chiến tranh (Phần 1)

Lương Đàm
Quan niệm về kiểu loại chiến tranh luôn được giới lãnh đạo chính trị, quân sự các nước và các nhà tư tưởng hết sức quan tâm.
battle20of20williamsburg-1697637924.png
Cuộc nội chiến ở Mỹ năm 1861 – 1865. Ảnh: Wikipedia.

Ph.Claudơvít đã viết: “Lúc bắt đầu chiến tranh, một trong những công việc đầu tiên quan trọng nhất, quyết định nhất, mà chính nhà chính trị hoặc người tổng chỉ huy cần phải làm là xác định thật đúng loại chiến tranh nào mà ông ta đang tiến hành để khỏi liệt nó vào loại khác với bản chất của nó... đó là vấn đề chiến lược đầu tiên và rộng lớn nhất trong các vấn đề chiến lược”. Phân chia kiểu chiến tranh có tầm quan trọng đặc biệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Chỉ trên cơ sở xác định đúng kiểu chiến tranh mà người lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh mới hoạch định được chiến lược, tìm ra phương thức và tổ chức lực lượng... một cách phù hợp.

V.I. Lênin từng đánh giá cao quan niệm trên của Ph.Claudơvít và cũng đặc biệt quan tâm tới việc phân chia các kiểu chiến tranh. Ông viết: “Tôi cho rằng không phân biệt các loại chiến tranh sẽ là một điều sai lầm về mặt lý luận và có hại về mặt thực tiễn”. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng khái niệm kiểu chiến tranh trên cơ sở lấy hệ thống các quan hệ kinh tế, chính trị giữa các nhà nước, giai cấp đã dẫn đến chiến tranh để phân loại chiến tranh. Trong thực tiễn, mỗi giai đoạn lịch sử có hệ thống các quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội chứa đựng mâu thuẫn và đặc điểm riêng, có ý nghĩa quyết định kiểu chiến tranh trong giai đoạn lịch sử ấy. Do vậy, khi phân chia kiểu chiến tranh, phải chú ý đến những mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu hoặc các mặt của mâu thuẫn đã gây ra những cuộc chiến tranh.

Cơ sở xác định kiểu chiến tranh bao gồm: Thứ nhất là chỉ số về lịch sử xã hội phản ánh quan hệ giữa chiến tranh với thời đại mà trực tiếp là hệ thống các quan hệ kinh tế, chính trị và những mâu thuẫn giữa các nhà nước, giai cấp, dân tộc, cũng như ý nghĩa lịch sử và tính chất xã hội của chiến tranh. Thứ hai là chỉ số về kỹ thuật quân sự như tính chất vũ khí, trang bị, phương tiện được sử dụng trong chiến tranh và phương thức đấu tranh vũ trang. Theo vũ khí, trang bị được sử dụng thì có các kiểu chiến tranh sử dụng bạch khí, hỏa khí hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân; còn theo phương thức đấu tranh vũ trang thì có các kiểu chiến tranh du kích hoặc chiến tranh chính quy, chiến tranh trận địa hoặc chiến tranh cơ động...

Thứ ba là chỉ số về mô chiến tranh, căn cứ vào số người, số quốc gia tham gia, đặc tính không gian, thời gian của chiến tranh để phân chia kiểu chiến tranh. Theo đó, có chiến tranh giữa hai nước hoặc chiến tranh giữa các khối liên minh, chiến tranh cục bộ hoặc chiến tranh thế giới, chiến tranh chớp nhoáng hoặc chiến tranh lâu dài... Cơ sở phân chia kiểu chiến tranh theo các hệ chỉ số trên đây phản ánh những mặt khác biệt nhất định của chiến tranh. Bỏ qua bất cứ một mặt nào cũng đều không đánh giá đúng, đầy đủ về các kiểu chiến tranh.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ có các kiểu chiến tranh cơ bản là: nội chiến giữa nô và chủ nô, chiến tranh giữa các nhà nước chiếm hữu nô lệ, chiến tranh giữa nhà nước chiếm hữu nô lệ với các bộ lạc đang ở trình độ phát triển xã hội thấp hơn. Trong xã hội phong kiến có các kiểu chiến tranh cơ bản là: chiến tranh giữa các nhà nước phong kiến hay các công quốc, chiến tranh giữa nhà nước phong kiến có tham vọng mở rộng lãnh thổ với các dân tộc đấu tranh chống xâm lược, nội chiến giữa nông dân với quý tộc phong kiến.

Thời kỳ chủ nghĩa tư bản trước độc quyền có các kiểu chiến tranh cơ bản là: nội chiến giữa nhân dân lao động với giai cấp bóc lột, chiến tranh xâm lược của các nhà nước phong kiến, tư sản với các dân tộc nhược tiểu, chiến tranh giữa các nhà nước tư sản với các nhà nước phong kiến. Thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền (chủ nghĩa đế quốc) có các kiểu chiến tranh cơ bản là: Chiến tranh giữa các nước tư bản với nhau, chiến tranh giữa các dân tộc bị nô dịch với chủ nghĩa thực dân, đế quốc, nội chiến giữa nhân dân lao động với giai cấp bóc lột. Với khái niệm kiểu chiến tranh như vậy thì chiến tranh được xem như một quá trình gồm hai bên tham chiến nằm trong hệ thống các quan hệ chính trị và kinh tế - xã hội cụ thể.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến