Các kiểu loại chiến tranh (Phần 2)

Lương Đàm
Các kiểu chiến tranh cơ bản trong thời đại ngày nay rất phức tạp do hệ thống các quan hệ kinh tế - xã hội chứa đựng mâu thuẫn đầy biến động, cùng sự xuất hiện các vấn đề có tính chất toàn cầu như môi trường sinh thái, dân số, tính chất của nền hòa bình, vấn đề sắc tộc, tôn giáo, khủng bố...
the-twentieth-maine-1697638269.jpg
Trong 4 năm của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, quân Liên bang miền Bắc và quân Liên minh miền Nam đánh nhau trong nhiều trận lớn nhỏ tại nhiều nơi. Ảnh: Wikipedia.

Song, những mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn là bức tranh hiện thực, và tương ứng với những mâu thuẫn ấy là các kiểu chiến tranh cơ bản dưới đây.

Thứ nhất, chiến tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Cuộc chiến tranh này có nguồn gốc từ đường lối hiếu chiến, phản động của chủ nghĩa tư bản hòng dùng chiến tranh để tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, thống trị thế giới. Đây là kiểu chiến tranh có thể xuất hiện giữa một nước xã hội chủ nghĩa với một hoặc một số nước tư bản chủ nghĩa; có thể xuất hiện giữa các nước xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa, đồng thời luôn mang tính giai cấp sâu sắc nên thường khốc liệt nhất.

Về phía chủ nghĩa tư bản, mục đích chính trị là phản động, đi ngược lại quy luật phát triển khách quan của xã hội và xu thế thời đại, cho nên đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, gây tội ác, kìm hãm tiến trình phát triển của lịch sử. Về phía chủ nghĩa xã hội, đây là cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ thành quả chân chính của công cuộc giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của quần chúng lao động nên mang tính chính nghĩa sâu sắc, tính cách mạng triệt để.

Thứ hai, nội chiến cách mạng. Đây là kiểu chiến tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại giai cấp tư sản và các lực lượng phản động trong các nước tư bản chủ nghĩa. V.I. Lênin chỉ rõ: “Nội chiến, nghĩa là những cuộc chiến tranh do giai cấp bị áp bức tiến hành chống giai cấp áp bức mình, do những người nô lệ tiến hành chống bọn chủ nô, do những người nông nô chống bọn địa chủ, do những người làm công tiến hành chống giai cấp tư sản”. Mục đích của nội chiến cách mạng do giai cấp bị áp bức tiến hành là giành và giữ chính quyền nhà nước. Nội chiến cách mạng có nguyên nhân sâu xa từ mâu thuẫn đối kháng giai cấp và đấu tranh chống ách thống trị bóc lột; nguyên nhân trực tiếp là đường lối chính trị phản động của giai cấp tư sản đã hoàn toàn dẫn tới khủng hoảng, song để bảo vệ, duy trì hoặc giành lại quyền thống trị, giai cấp tư sản sử dụng bạo lực vũ trang phát động chiến tranh tiêu diệt phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Nội chiến cách mạng là hình thức gay gắt nhất của đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, song chỉ xảy ra khi vấn đề chính quyền đặt ra một cách trực tiếp, buộc phải giải quyết bằng bạo lực vũ trang. Các hình thức cụ thể gồm nội chiến giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với bộ máy bạo lực của nhà nước tư sản, nội chiến giữa thể chế chính trị - nhà nước mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động tạo dựng trong cách mạng vô sản với lực lượng vũ trang của giai cấp tư sản phản động dù đã bị đánh đổ về mặt chính quyền nhà nước, có thể có sự can thiệp của các nước đế quốc từ bên ngoài. Dù xảy ra dưới hình thức nào thì giai cấp tư sản cùng các lực lượng vũ trang phản động luôn là chủ thể của chiến tranh phi nghĩa, theo đuổi mục đích phản cách mạng; tính chất chính nghĩa hoàn toàn thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng con người.

2-olhf-1697638453.jpg
Bé gái Triều Tiên cõng em đi qua một chiếc xe tăng M-26 trong cuộc chiến chia cắt Bán đảo Triều Tiên, năm 1951. Ảnh: Tư liệu.

Thứ ba, chiến tranh giữa các dân tộc đấu tranh giành, giữ quyền độc lập, tự chủ với chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đây là kiểu chiến tranh nảy sinh từ một trong những mâu thuẫn điển hình của thời đại ngày nay, mà trực tiếp là đường lối hiếu chiến, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc hòng dùng bạo lực vũ trang duy trì ách thống trị và nô dịch. Kiểu chiến tranh này thường biểu hiện ở các hình thức: chiến tranh của các dân tộc chống lại sự thống trị, áp bức thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc; khởi nghĩa gắn với kháng chiến chống xâm lược; chiến tranh của các dân tộc mới giành được độc lập chống xâm lược... Về phía các dân tộc giành, giữ quyền độc lập dân tộc, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng và tiến bộ xã hội, mặc dù cơ sở xã hội bên trong còn hết sức phức tạp do sự liên hiệp của các lực lượng xã hội vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau. Về phía thực dân, đế quốc, đó là chiến tranh hoàn toàn phi nghĩa, đi ngược quy luật phát triển của lịch sử.

Thứ tư, chiến tranh giữa các nước tư bản nhằm tranh giành quyền ảnh hưởng và thống trị thế giới. Kiểu chiến tranh này nảy sinh từ những mâu thuẫn sâu sắc không thể điều hòa giữa các nước tư bản với nhau. Do bản chất hiếu chiến, xâm lược, các nhà nước tư sản thường phát động chiến tranh để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột ngay trong lòng xã hội tư bản hoặc giữa các nhà nước tư sản. Trong thời đại ngày nay, chiến tranh giữa các nước tư bản với nhau thường được biểu hiện dưới các hình thức: Một là, chiến tranh giữa nhóm nước tư bản này với nhóm nước tư bản khác để phân chia thị trường, phân chia ảnh hưởng quyền lực...; cả hai bên tham chiến đều theo đuổi mục đích xâm lược, chống nhân dân nên đều mang tính chất phi nghĩa, kéo lùi sự phát triển xã hội, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Hai là, chiến tranh của nước đế quốc lớn xâm lược nước tư bản yếu hơn; đối với nước tư bản yếu hơn là chiến tranh tự vệ nên hợp pháp và chính nghĩa, còn phía nước đế quốc là bất hợp pháp và phi nghĩa.

Thứ năm, cùng với các kiểu chiến tranh trên, trong thế giới đương đại còn có sự phát triển mới các loại chiến tranh truyền thống và chiến tranh phi truyền thống. Khác với các thời đại trước, ngoài loại hình chiến tranh vẫn được coi là chiến tranh truyền thống, trong bối cảnh thế giới đương đại còn có thể xuất hiện loại hình chiến tranh phi truyền thống. Và như thực tiễn cho thấy, loại hình này đang ngày càng trở nên phổ biến.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến