Các kiểu loại chiến tranh (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Đối với loại hình chiến tranh truyền thống, cần đặc biệt chú ý tới những cuộc chiến tranh xâm lược núp dưới chiêu bài “trừng phạt”, với việc sử dụng vũ khí công nghệ cao và phương thức tác chiến phi trực tiếp tiếp xúc. Đặc điểm chung của loại hình này là huy động lực lượng đa quốc gia, lấy danh nghĩa Liên hợp quốc, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang, phá huỷ cơ sở hạ tầng, tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự... của đối phương, kết hợp với chiến tranh thông tin và răn đe quân sự, gây sức ép lật đổ chính quyền sở tại, đưa quốc gia đối phương vào quỹ đạo của mình.
screenshot-4-1697638821.png
Viễn cảnh chiến tranh mạng. Ảnh: Internet.

Loại hình chiến tranh truyền thống còn có những biến tướng khác như: Chiến tranh uỷ nhiệm, thông qua lực lượng đồng minh, lực lượng đối lập trong nước và khu vực để tiến hành lật đổ chế độ của nước sở tại mà không cần trực tiếp tham chiến; chiến tranh bạo loạn, lật đổ với vũ khí chủ yếu là kích động tâm lý đám đông, rất khó tìm cách hóa giải. Nếu nhà cầm quyền sử dụng vũ lực đàn áp đám đông và gây thương vong, ngay lập tức bị quy kết tội “phản bội nhân dân”, “chống lại nhân dân”, “giết hại nhân dân”. Trên thực tế, “nhân dân” ở đây là các lực lượng cực đoan bị lợi dụng để tiến hành can thiệp vũ trang.

Đối với loại hình chiến tranh phi truyền thống, thực chất vẫn là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, nhưng không phải trực tiếp là bạo lực vũ trang, diễn ra rất khó lường. Trong bối cảnh thế giới đương đại, nổi trội là chiến tranh thông tin, diễn ra trên mọi lĩnh vực, cả trong thời bình và thời chiến, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết; chi phí thấp nhưng gây tổn thất lớn và hậu quả nghiêm trọng cho đối phương; khó cảnh báo và nhận diện kẻ thù; không giới hạn về thời gian và không gian; không phân tuyến hậu phương, chiến trường... Trong đó, có các dạng chiến tranh chỉ huy và kiểm soát nhằm vô hiệu hóa sở chỉ huy đầu não của đối phương; chiến tranh tình báo với công nghệ hoàn hảo và tốc độ xử lý nhanh, tác chiến điện tử bằng khả năng lợi dụng thông tin vượt trội đối phương; chiến tranh tâm lý phát triển cả về độ tinh vi và quy mô ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo cũng như dân chúng của đối phương.

Chiến tranh mạng là hình thức tác chiến lấy công nghệ thông tin làm trụ cột, đối kháng mạng máy tính; gồm: Gián điệp mạng, tiến công mạng, phòng ngự mạng... Chiến tranh kinh tế là hình thức chiến tranh đặc biệt, dựa trên việc sử dụng công cụ, sức mạnh kinh tế để thực hiện các hoạt động tiến công hoặc phòng thủ nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, làm suy yếu hoặc sụp đổ nền kinh tế của quốc gia đổi địch, đồng thời bảo vệ hệ thống kinh tế của mình, tạo áp lực thực hiện mục đích chính trị của chiến tranh.

Thế giới đương đại còn xuất hiện loại hình hỗn dung giữa chiến tranh truyền thống và chiến tranh phi truyền thống, đó là chiến tranh khủng bố quốc tế và chiến tranh chống khủng bố. Khủng bố quốc tế hiện nay là mối đe dọa tiềm ẩn cực lớn, có thể được coi là kiểu chiến tranh phi truyền thống vì chưa từng xuất hiện một cách phổ biến trên phạm vi thế giới. Hơn nữa, tính chất tác chiến rất khác với các cuộc chiến tranh truyền thống, hay còn gọi là chiến tranh quy ước, bởi không có sự phân tuyến rõ ràng, sử dụng mọi thủ đoạn kể cả các thủ đoạn tàn bạo, phi nhân tính, đe dọa không chỉ đối với các thể chế chính trị mà còn gây hoảng loạn trong đời sống dân chúng.

Song xét đến cùng, tính chất chiến tranh truyền thống cũng lộ rõ ở bản chất chính trị của hình thức chiến tranh này, vẫn là sự theo đuổi mục tiêu chính trị, dù chính trị nấp dưới hình thái ý thức hệ tôn giáo, thiên kiến sắc tộc, tự ái dân tộc... Thêm vào đó là sự hiện diện của bộ máy nhà nước, dù chỉ là nhà nước tự xưng như các trường hợp của Taliban và gần đây nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Islamic State) ở Irắc. Đối lập với chiến tranh khủng bố quốc tế là chiến tranh chống khủng bố quốc tế do Mỹ khởi xướng, mà có thể coi màn mở đầu chính là cuộc chiến tranh Ápganixtan do Mỹ tiến hành chống Taliban và Al Queda để trả đũa vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến