Hòa bình gắn với sự áp đặt của các cường quốc và hòa bình gắn với độc lập dân tộc của các quốc gia có chủ quyền là hai hình thái hòa bình khác nhau: Một là, hòa bình gắn với sự áp đặt của các cường quốc; hai là, hòa bình gắn với độc lập dân tộc của các quốc gia có chủ quyền. Hiện nay, các cường quốc thế giới thực hiện hòa bình bằng sự áp đặt ý chí của mình đối với các quốc gia, dân tộc khác.
Ngược lại, việc chống lại sự áp đặt ý chí ấy là mục đích chính trị trực tiếp của các quốc gia, dân tộc nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền của mình, để khẳng định và bảo vệ quyền dân tộc tự quyết. Đây thực sự là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hòa bình giả hiệu, hòa bình áp đặt của chủ nghĩa đế quốc với hòa bình chân chính, hòa bình trong độc lập, tự do của các quốc gia độc lập có chủ quyền trên thế giới trong bối cảnh lịch sử mới, bằng những dạng thức mới.
Nền hòa bình thế giới và môi trường hòa bình của các quốc gia, khu vực là hai hình thái hòa bình mà luôn cần có sự phân định rõ ràng và nhận thức thấu đáo, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Hiện nay đang không có chiến tranh thế giới, tức là về tổng thể, thế giới đang trong trạng thái hòa bình. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy hình thái hòa bình tổng thể đó mà không thấy được tính cục bộ, lịch sử, cụ thể thì sẽ mắc phải tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, không thấy được tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, của các cuộc xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, khủng bố, của các cuộc chiến tranh khu vực, chiến tranh cục bộ trên thế giới.
Trạng thái hòa bình thế giới không đồng nghĩa, không nhất thể hoá với môi trường hòa bình của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Để có được môi trường hòa bình thực sự, thuận lợi cho sự phát triển đất nước thì các quốc gia, dân tộc phải không ngừng đấu tranh bằng những biện pháp khéo léo, giữ cho “trong ấm ngoài êm”, xử lý tốt các mối quan hệ đối tác và đối tượng, thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; đồng thời cùng các nước khác trong khu vực và cộng đồng thế giới nỗ lực củng cố nền hòa bình chung.
Phân định giữa hai hình thái nền hòa bình tổng thể và nền hòa bình chủ yếu ở phương diện chính trị là cách tiếp cận quan trọng. Nền hòa bình tổng thể là hình thái hòa bình toàn diện trên mọi bình diện của đời sống xã hội, không có xung đột và chiến tranh. Còn nền hòa bình chủ yếu ở phương diện chính trị là hình thái hòa bình thể hiện trên một mặt, một lĩnh vực đặc biệt, đó là lĩnh vực chính trị. Nó thể hiện ở các cam kết về chính trị giữa các bên có liên quan; hoặc sự ổn định về chính trị của đất nước, không diễn ra cuộc đấu tranh vũ trang giữa các phe phái chính trị trong nội bộ quốc gia, dân tộc.
Đương nhiên, có được nền hòa bình tổng thể thì sự bảo đảm hòa bình mới thực sự vững chắc, toàn diện; còn nếu chỉ có nền hòa bình chủ yếu ở phương diện chính trị thì nó trở nên mong manh, dễ đổ vỡ. Trên thực tế, có thể có sự cam kết hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng, tức là có sự cam kết về chính trị, được thể hiện trong các văn bản chính thức được ký kết, nhưng chưa thể nói là giữa hai nước đó đã có hòa bình thực sự, mà xung đột quân sự, tranh chấp biên giới, lãnh thổ vẫn diễn ra gay gắt. Song, nền hòa bình chủ yếu ở phương diện chính trị cũng có ý nghĩa quan trọng, làm chỗ dựa và cơ sở để tiến tới hòa bình đích thực, hòa bình tổng thể.
Hòa bình gắn với đấu tranh cách mạng, vì tiến bộ xã hội và hòa bình gắn với diễn biến theo xu hướng phản cách mạng, trì trệ xã hội là hai hình thái hòa bình mang tính đối lập nhau. Chúng phản ánh rõ bản chất chính trị và mục đích theo đuổi của các chủ thể khác nhau trong việc duy trì nền hòa bình theo lập trường, quan điểm của mình. Để nhận rõ hình thái hòa bình gắn với đấu tranh cách mạng, vì tiến bộ xã hội cần dựa vào các quan niệm về chiến tranh cách mạng và chính nghĩa.
Chiến tranh cách mạng là chiến tranh do các giai cấp bị áp bức, bóc lột hoặc các tập đoàn chính trị - xã hội tiến bộ tiến hành nhằm xoá bỏ hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời; là chiến tranh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia, của dân tộc, của quần chúng nhân dân, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Tương dung với nó là nền hòa bình chân chính, hòa bình thực sự, hòa bình gắn với đấu tranh cách mạng, vì tiến bộ xã hội, hòa bình trong độc lập, tự do thực sự, là nền hòa bình được thiết lập và duy trì bởi những nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng cách mạng, tiến bộ, các quốc gia, dân tộc trong chống chủ nghĩa đế quốc.
Ngược lại, còn có nền hòa bình gắn với sự duy trì chế độ chính trị xã hội và cơ sở kinh tế - xã hội lạc hậu, thủ tiêu mọi sự phản kháng của quần chúng lao động, cũng như nền hòa bình là sản phẩm của sự “ban ơn” của các cường quốc, kiềm tỏa sự phát triển, tiến bộ xã hội trong quỹ đạo của họ, tước bỏ dân chủ đối với các lực lượng cách mạng, các phong trào đấu tranh đòi dân chủ…