Phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình (Phần 1)

Lương Đàm
Phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình là tổng hợp những cách thức, phương hướng biện pháp tiến hành nhằm đạt mục đích bảo vệ vững chắc Tổ quốc, triệt bỏ mọi nguy cơ gây phương hại đến nền hòa bình của đất nước.
nobel-hoa-binh-1699376498.jpg
Ngày 27/1/1973, ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đã ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Đây là vấn đề lý luận, thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt, gắn với quá trình duy trì và gìn giữ hòa bình của các quốc gia, dân tộc. Trong thực tiễn duy trì và gìn giữ hòa bình, nhất là trong thời đại hiện nay, nhiều khi thất bại không phải do mục tiêu, nhiệm vụ xác định không rõ ràng, đường lối, chủ trương, chính sách sai, cũng không phải do thiếu thốn lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật, mà là do không có phương thức đấu tranh, phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình phù hợp, hiệu quả.

Mỗi giai đoạn khác nhau thì phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình có sự khác nhau; có thể nội dung, hình thức, phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình này phù hợp với giai đoạn trước, với nước này, nhưng lại không phù hợp, thích ứng với giai đoạn sau, với nước khác. Hơn nữa, hòa bình và chiến tranh là hai vấn đề tuy đối lập nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, do vậy nghiên cứu phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình còn phải tính đến phương thức tiến hành chiến tranh nhằm thực hiện cùng một mục tiêu chính trị. Nhìn khái quát, phương thức duy trì và gìn giữ hòa bình thể hiện ở phương thức vận hành nền chính trị thời bình và phương thức duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hòa bình.

Phương thức vận hành nền chính trị thời bình xuất phát từ bản chất, tính quy luật chung của nền chính trị song có nét đặc thù so với nền chính trị thời chiến. Bản chất, tính quy luật chung của nền chính trị thời bình là sự vận hành theo những nguyên tắc hướng vào tập trung phát triển kinh tế phục vụ lợi ích cơ bản của giai cấp cầm quyền, của dân tộc, tuy có tính đến lợi ích của các giai cấp khác ở mức độ nhất định. Nền chính trị thời bình chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của những quy luật xây dựng đất nước, mà tập trung nhất ở quy luật kinh tế, khác với nền chính trị thời chiến chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của quy luật chiến tranh, đấu tranh vũ trang.

Do đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội quy định nên phương thức vận hành nền chính trị thời bình là nhằm bảo đảm những yêu cầu của sự phát triển các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... của đất nước. Điều đó có sự khác biệt rất lớn so với nền chính trị thời chiến. Kinh tế là nền tảng cho sự ổn định chính trị và con đường phát triển của đất nước; một nền kinh tế vững chắc và phát triển lành mạnh luôn là động lực cơ bản thúc đẩy đất nước đi lên. Phương thức vận hành và tổ chức của nền chính trị thời bình phải đáp ứng yêu cầu đó. Tất nhiên, phương thức này còn cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu thời chiến, phòng khi chiến tranh có thể xảy ra đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực rất cao với cường độ lớn và thời gian khẩn trương để phục vụ nhu cầu chiến tranh.

img-5714-1699376287.jpg
Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Hậu cần trao quà tặng cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 4 vừa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn rất phức tạp, thì phương thức vận hành nền chính trị thời bình có nhiều nét mới. Phương thức ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, mà còn phải bảo vệ, giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển bền vững, bảo vệ được độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế; ngăn chặn và loại trừ không chỉ đối với nguy cơ chiến tranh mà còn đối với những yếu tố, những nguy cơ khác mang bộ mặt hoà bình - điển hình là “diễn biến hoà bình”.

Về vấn đề này, Đảng ta đã xác định: Trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực trong quan hệ với các nước lớn; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có như vậy, nền chính trị thời bình mới có thể củng cố và phát huy được quyền lực chính trị, vị trí, vai trò chính trị của mình trong hội nhập quốc tế, trong các tổ chức, thiết chế khu vực và quốc tế; vai trò chính trị trong quan hệ với các nước lớn và tiếng nói của quốc gia mới trở nên “có trọng lượng” trong các quan hệ quốc tế, kể cả trong mối quan hệ chính trị với các nước lớn trên thế giới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến