Quy luật về tuyên ngôn hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình

Cũng như các quy luật xã hội khác, các quy luật của hòa bình chỉ phát huy tác dụng thông qua vai trò năng động chủ quan của con người, nên dễ dẫn đến quan niệm sai lầm rằng chúng hoàn toàn mang tính chủ quan.
7b98703f48b0025160f2b9b5aad2a874-l-1699378158.jpg
Chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra những luận điểm rõ ràng về chiến tranh và hòa bình. Ảnh: Internet.

Chỉ có thể khắc phục được điều đó khi nắm vững thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng, hoàn bị của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và hòa bình. Trong đó, những vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình được hiện diện như khía cạnh đối lập của tiến trình chiến tranh, với tư cách cùng là sự kế tục của chính trị, chỉ khác nhau về con đường, thủ đoạn, song đều mang tính tất yếu khách quan.

Phép biện chứng duy vật mácxít là cơ sở lý luận trực tiếp định hướng phương pháp luận tiếp cận những vấn đề có tính quy luật của hòa bình theo nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển và kết hợp giữa lý luận với thực tiễn. Đồng thời, cần dựa vào những luận điểm gốc về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, về quan điểm chính trị giai cấp và về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội nhằm định hướng đúng đắn cho quá trình tiếp cận các vấn đề có tính quy luật đó. Cũng chỉ có như vậy thì mới cho phép luận giải các vấn đề có tính quy luật của hoà bình một cách toàn diện - hệ thống và chỉnh thể - lôgích; kết hợp chặt chẽ giữa cái phổ biến, cái đặc thù và cái đơn nhất, giữa bài học kinh nghiệm lịch sử và tính quy luật, giữa tác động bên ngoài và sự vận động nội tại; đồng thời quán triệt nguyên lý duy vật lịch sử. 

Quy luật về tuyên ngôn hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình giữa các quốc gia hoặc liên quốc gia là một quy luật mang tính phổ biến. Thực hiện tuyên ngôn hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình thông thường là công việc được tiến hành khi kết thúc chiến tranh, hoặc kết thúc một giai đoạn của chiến tranh. Điều này có thể được thực hiện bằng các hòa ước, hiệp định, hiệp ước... với sự ký kết của các bên trực tiếp tham gia chiến tranh và các bên khác tuy vốn không phải là bên tham chiến, nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng đến trạng thái chuyển hóa hòa bình và chiến tranh ấy. Để ký kết được hòa ước, hiệp định, hiệp ước hòa bình, tức là tuyên ngôn về hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình, phải dựa trên những cơ sở nhất định, cũng như phải có những điều kiện, những yếu tố cần thiết nhất định.

the-chien-i-ket-thuc-nhu-the-nao-2-1231490-1699378407.png
Phái đoàn Đức (bên trái) đến ký thỏa thuận ngừng bắn tạm thời kết thúc Thế chiến I trong một toa xe lửa, tháng 11/1918. Ảnh: Hulton Archive/Getty Images.
the-chien-i-ket-thuc-nhu-the-nao-1-1230325-1699378282.png
Binh sỹ ăn mừng thỏa thuận ngừng bắn Thế chiến I. Ảnh: Internet.

Lịch sử vận động của quy luật về tuyên ngôn hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình trên thế giới đã qua và trong thế giới đương đại cho thấy, những điều kiện, những yếu tố cần thiết để có thể ký kết được hòa ước, hiệp định, hiệp ước về hòa bình là: Thứ nhất, nhu cầu giải quyết chính trị bằng chiến tranh không tồn tại hoặc chí ít cũng không còn bức thiết. Mục tiêu chính trị mà chiến tranh thực hiện, kế tục về cơ bản đã được giải quyết, lúc đó chiến tranh không còn cần thiết nữa, đặc biệt là đối với bên tiến công. Thứ hai, các bên tham chiến quá tổn hại với phương thức “bàn giao” bằng chiến tranh, phương cách dùng chiến tranh tuy có thể đạt được mục đích chính trị, nhưng phải ngừng chiến vì tổn hại quá lớn. Thứ ba, công luận của người dân đủ sức buộc nhà nước phải tái lập hòa bình, rút lui “êm thấm” khỏi chiến tranh trong danh dự. Thứ tư, môi trường, tiền đề trực tiếp để động thái chính trị bằng hòa bình thay thế cho động thái chính trị bằng chiến tranh đã hội đủ, đặc biệt là vấn đề lợi ích. Đây là trường hợp mà dùng biện pháp chiến tranh chưa đạt được mục đích chính trị, nhất là bên phát động tiến công, trong khi đó các biện pháp chính trị hòa bình đã có thể thay thế cho động thái chính trị bằng chiến tranh, thì các bên tham chiến cùng ký kết hiệp định về hòa bình.

Quy luật này trong bối cảnh hiện nay có những đặc trưng mới với những biểu hiện mới. Đó là sự chế ước của Liên hợp quốc, của các cường quốc có ảnh hưởng lớn và các tổ chức quốc tế mạnh. Song, cũng cần hết sức cảnh tỉnh rằng, quy luật về tuyên ngôn hòa bình và xác lập trạng thái hòa bình hiện nay thường gắn với sự mặc cả, thậm chí “buôn bán hòa bình” giữa các cường quốc, các thế lực, các lực lượng chủ chốt trên thế giới, thể hiện thực chất bàn cờ chính trị thế giới là của các “ông lớn”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến