Một số bài học kinh nghiệm tiêu biểu về chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam trong thời đại mới (Phần 1)

Lương Đàm
Thực tiễn các cuộc chiến tranh trên thế giới cho thấy, nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình với tính cách sự kế tục chính trị là vấn đề trọng đại có liên quan đến sự an nguy của cả quốc gia, dân tộc và trực tiếp là chế độ chính trị - nhà nước. Việc nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình ở các nước đều chú trọng hàng loạt nội dung và để lại những kinh nghiệm bổ ích.
lu-doan-75-1705935914.jpg
Trận địa pháo của Lữ đoàn Pháo binh 75 khai hỏa tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập. Ảnh: Báo Quân khu 7

Đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn mới của địch, dự báo chính xác các tình huống chiến lược, tình huống bất ổn

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta luôn đánh giá đúng bản chất và âm mưu, thủ đoạn của địch, dự báo chính xác các tình huống chiến lược, nhờ đó phát huy được mọi ưu thế, biết cách khắc chế kẻ thù để giành thắng lợi.

Thường xuyên cảnh giác, thấu suốt âm mưu chiến lược và nắm chắc những thủ đoạn mới của địch là cần thiết để không những đẩy nhanh tiến trình hội nhập phục vụ xây dựng và phát triển đất nước thời bình, mà còn tích cực chuẩn bị tiềm lực nhằm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Mặt khác, đó là nắm vững những đặc trưng cơ bản trong hoạt động chống phá của địch cũng như từng thủ đoạn, cách thức hoạt động cụ thể để có cả phương án chiến lược và các phương án cụ thể đối phó thích hợp, luôn giữ được thế chủ động chiến lược.

thuc-hanh-trien-khai-khi-tai-tac-chien-dien-tu-o-lu-doan-87-1705935998.jpg
Thực hành triển khai khí tài tác chiến điện tử ở Lữ đoàn 87 (Cục Tác chiến Điện tử). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Thắng lợi của chiến tranh nhân dân trong hai cuộc kháng chiến khi thực hiện những trận quyết chiến chiến lược đều thuộc về vai trò trực tiếp của các lực lượng vũ trang.

Thực tiễn cho thấy, việc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang cần gắn với nâng cao sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch về phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.

Một trong những kinh nghiệm từ thực tiễn là để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang thì phải tổ chức huấn luyện chiến đấu theo các phương án, nâng cao chất lượng diễn tập thực binh theo kế hoạch thống nhất từ Bộ đến Quân khu và các cấp tỉnh, huyện, xã.

Một kinh nghiệm khác là phải chuẩn bị tốt các phương án hiệp đồng trong thực hiện các nhiệm vụ. Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa con người và tổ chức, con người và vũ khí, chỉ huy và chấp hành... cũng là kinh nghiệm quý báu.

trung-tam-huan-luyen-quoc-gia-2-1705935998.jpg
Đội tuyển Xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam hăng say tập luyện trên thao trường tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 2 trước khi lên đường tham gia Hội thao quân sự quốc tế 2021. Ảnh: Báo Quân khu 5

Xây dựng các khu vực phòng thủ chiến lược mạnh, địa bàn an toàn, làm chủ, cơ sở chính trị vững chắc

Trước hết, đó là kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng các tỉnh, huyện, xã, phường… thành địa bàn an toàn ngay trong thời bình, tạo thuận lợi để các lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Vấn đề này cũng có tác dụng thực tiễn lớn trong tổ chức diễn tập thực binh theo các phương án xác định để bảo vệ Tổ quốc trước mọi tình huống chiến lược, vì việc đánh giá và khẳng định chất lượng thực của khu vực phòng thủ không thể “chờ” cho chiến tranh xảy ra.

Tăng cường huấn luyện sát tình huống tưởng định và diễn tập thực binh phù hợp đặc điểm tình hình và nhiệm vụ, sát với dự báo khoa học đối với từng tình huống chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng nhằm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược mạnh, địa bàn an toàn, làm chủ cơ sở chính trị vững chắc luôn là vấn đề sống còn để bảo vệ ngay từ những ngày đầu và trong suốt tiến trình cuộc chiến tranh nếu xảy ra.

Bởi lẽ, như kinh nghiệm cho thấy, đó chính là tạo thế đứng chân chiến đấu cho lực lượng vũ trang khi có tình huống chiến tranh, đồng thời còn nhằm tạo thế trận lòng dân để tiến hành chiến tranh nhân dân đánh địch rộng khắp. Quá trình xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược mạnh ở các địa phương cũng đồng thời là quá trình luôn kết hợp chặt chẽ việc xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến