Thứ nhất, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu khách quan, là ý chí quyết tâm và trách nhiệm của toàn dân. Xuất phát từ những quyền cơ bản, quyền tự quyết của một quốc gia, dân tộc, trong hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã xác định: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Thứ hai, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn bó chặt chẽ với bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là những mục tiêu, đồng thời là những nội dung tiêu biểu nhất, quan trọng nhất trong tư tưởng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ ra tính toàn diện, thống nhất và biện chứng giữa các nội dung bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên cả phương diện tự nhiên và phương diện chính trị - xã hội. Người xác định phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc gắn với bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả và chế độ xã hội chủ nghĩa. Riêng đối với vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, Người xác định: “một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ các phương thức đấu tranh, tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định hệ thống các nội dung đấu tranh một cách thống nhất, tạo thành một thể hoàn chỉnh giữa mục tiêu, nhiệm vụ với lực lượng, sức mạnh và phương thức đấu tranh vũ trang, phi vũ trang, vận dụng linh hoạt, phong phú và đa dạng các hình thức, biện pháp đấu tranh nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Trong đó, việc kết hợp các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức quan trọng.
Thứ tư, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đó là sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam, sức mạnh của cả nước, sức mạnh của chế độ, sức mạnh của toàn dân và toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt; kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó còn là sức mạnh tổng hợp của các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự... hợp thành tổng thể sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.
Do vậy, chúng ta phải “tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng”. Người đặc biệt coi trọng “xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội... “. Tuân thủ những nguyên lý mácxít lêninnít về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, trong hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Người xác định, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và đối với lực lượng vũ trang.
Thứ năm, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa quan hệ chặt chẽ với nhau. Đây không chỉ là vấn đề có tính quy luật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới, mà còn là vấn đề hiện thực, được thể hiện trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội quan hệ chặt chẽ với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, không tuyệt đối hóa nhiệm vụ này mà xem nhẹ nhiệm vụ kia, đó là hai nhiệm vụ chiến lược không thể tách rời của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa đang diễn ra ở nước ta. Chính vì vậy, Người luôn xác định: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”.
Như vậy, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, gắn với quá trình Người lãnh đạo chiến tranh nhân dân, kháng chiến chống xâm lược, giải phóng và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc”. Tư tưởng ấy luôn soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn giúp cho Đảng ta, nhân dân ta có được những định hướng chiến lược quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, được vận dụng một cách khéo léo, cụ thể vào từng vùng, từng địa bàn chiến lược của đất nước.