Quốc phòng và an ninh phải bảo vệ và phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước

Trên cơ sở nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật được vận dụng vào xem xét chiến tranh, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra bản chất của chiến tranh chỉ là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang.
qd-1719505426.jpg
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

C. Mác và Ph. Ăngghen từng nhấn mạnh bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều là sự tiếp tục chính trị của một số cường quốc hữu quan nào đó - và của các giai cấp khác nhau trong nội bộ những cường quốc đó - trong một thời gian nhất định. V.I. Lênin cũng khẳng định mọi cuộc chiến tranh đều gắn liền với chế độ chính trị sinh ra nó.

Đường lối chính trị do một nhà nước nhất định với giai cấp lãnh đạo nhà nước đó theo đuổi từ lâu trước khi xảy ra chiến tranh cũng chính là đường lối chính trị mà giai cấp ấy tất nhiên phải theo đuổi trong quá trình chiến tranh, bằng cách chỉ thay đổi hình thức hoạt động mà thôi... Đó là cơ sở lý luận nền tảng xác định mọi vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức, hoạt động quân sự đều phải phục tùng thể chế chính trị và được định hướng bởi đường lối chính trị của một giai cấp, một nhà nước nhất định.

Bản chất của quân sự là “lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội liên quan đến đấu tranh vũ trang, chiến tranh và quân đội (lực lượng vũ trang)”, củng cố quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Hoạt động quân sự do nhà nước, tập đoàn xã hội tiến hành vì lợi ích của nhà nước hay tập đoàn xã hội đó. Theo đó, tất nhiên lĩnh vực quân sự nói chung và mọi hoạt động quân sự nói riêng đều phải lấy hướng đích vì lợi ích của nhà nước và giai cấp lãnh đạo mà thực hiện.

Từ trong thực tiễn chiến tranh cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”. Như vậy, mọi hoạt động quân sự, cũng như mọi mặt tổ chức hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam phải dựa trên nền tảng chính trị và phục tùng đường lối chính trị, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”.

Xét từ chiều sâu bản chất, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được đúc rút qua mọi giai đoạn, thời kỳ cách mạng là “một bộ phận quan trọng của đường lối chính trị (đường lối cách mạng) và phục tùng đường lối chính trị (đường lối cách mạng) của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng”. Hơn nữa, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất từ năm 1976 đến nay, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam được cụ thể hoá thành đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhằm thực hiện mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Chính vì vậy, mọi hoạt động quốc phòng và an ninh đều phải phục tùng đường lối cách mạng của Đảng, nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ cho mục tiêu chiến lược tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến