Hiểu rõ về quan hệ chế ước và tương tác giữa chiến tranh và hòa bình

Lương Đàm
Chiến tranh và hòa bình là hai trạng thái đối lập, có hình thái cấu trúc và cơ chế vận hành trái ngược nhau, song do về bản chất đều là sự kế tục của chính trị nên không chỉ chế ước, quy định, tạo tiền đề cho nhau mà còn tương tác lẫn nhau hết sức mạnh mẽ.
roi-nuoc-mat-voi-bo-anh-su-trai-nguoc-dang-so-giua-chien-tranh-va-hoa-binh-51-0664-1700492285.jpg
Súng và hoa - Chiến tranh và hòa bình. Ảnh: Ugur Gallenkus.

Tuy là các cực đối lập, nhưng chiến tranh và hòa bình có liên quan biện chứng hết sức chặt chẽ với nhau. Nếu chiến tranh khái quát những mối liên hệ bản chất nhất của sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang thì hòa bình là hiện thân của sự khái quát bản chất chính trị trong tính xuyên suốt của nó, kể cả trong trạng thái hòa bình hay trong trạng thái chiến tranh.

Với tính cách là hình thái thể hiện và vận hành riêng, có thể coi chiến tranh phản ánh mắt khâu “đứt gãy” trong tiến trình chuyển tiếp thực tiễn vận động, phát triển hợp quy luật của nền chính trị mà xuyên suốt là dựa cậy vào hòa bình. Trong nền chính trị, các mâu thuẫn cơ bản, xuyên suốt là mâu thuẫn giữa các yếu tố chính trị chính thống với các yếu tố phản biện và đối trọng; mâu thuẫn giữa xu hướng thuận chiều thúc đẩy sự phát triển nền chính trị hòa bình với những xu hướng ngược chiều, những lực cản của quá trình đó có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh. Biết tích luỹ những bước tiến về chính trị thời bình là một trong những phương cách cơ bản nhất không chỉ để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, mà còn để nền chính trị ấy sẵn sàng đối mặt và vượt qua thử thách chiến tranh.

Với tính cách là một chỉnh thể thống nhất, sự phát triển nền chính trị dù trong trạng thái hòa bình hay trạng thái chiến tranh đều vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là cái hiện tồn và chứa đựng những tiềm năng phát triển mới, đòi hỏi phải được xem xét theo quan điểm lịch sử - lôgích. Mặt khác, nền chính trị thời bình hay nền chính trị thời chiến cũng vừa là một hệ thống bao gồm nhiều bộ phận, vừa là một bộ phận trong hệ thống lớn hơn, đòi hỏi phải được xem xét theo quan điểm hệ thống - cấu trúc.

Chính vì vậy, tiếp cận vấn đề chiến tranh và hòa binh cần nắm vững mối liên hệ hữu cơ giữa tác động bên ngoài và sự vận động nội tại. Quá trình phát triển nền chính trị trong chiến tranh là sự tiếp nối liên tục các bước chuẩn bị từ thời bình. Đến lượt nó, tiến trình và kết cục chiến tranh luôn quy định tiến trình hòa bình mà nền chính trị sẽ tiếp tục vận hành. Mặt khác, nền chính trị hòa bình nằm trong tiến trình phát triển toàn diện đất nước, trong đó có việc chuẩn bị tiềm lực sẵn sàng đối phó chiến tranh.

Sự phát triển nền chính trị trong hòa bình luôn được đặt trên nền tảng vững chắc của sự phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội một cách bình ổn. Mặt khác, giữ vững môi trường hòa bình là điều kiện tiên quyết để bảo vệ cơ sở kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của người dân và phát triển bền vững đất nước. Việc tạo nên sự nhất trí cao độ về chính trị trong thời bình là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho phép có thể động viên chính trị một cách thuận lợi khi chiến tranh xảy ra.

Mặt khác, để giữ vững quan điểm chính trị - giai cấp trong khi tiếp cận quan hệ chiến tranh và hòa bình, cần nghiên cứu điều kiện lịch sử ra đời của quân đội, cũng như vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp tổ chức ra quân đội đó ngay từ thời bình. Đồng thời cần thấy: mục tiêu chính trị mà một cuộc chiến tranh kế tục bao giờ cũng trực tiếp chi phối chất lượng chính trị của nhân dân và quân đội cũng như khả năng chuẩn bị chính trị từ thời bình, cùng với việc động viên các nguồn lực ấy trong chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến