Hiện nay, nhân dân có vai trò ngày càng tăng trong duy trì môi trường hòa bình và gìn giữ hòa bình cả trong phạm vi quốc gia, dân tộc và trong phạm vi khu vực, thế giới. V.I. Lênin viết: “Không bao giờ người ta có thể chiến thắng được một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân đã biết, đã cảm và đã trông thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của mình, Chính quyền Xôviết, chính quyền của những người lao động”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, thực hiện chính sách hòa bình là yêu cầu quan trọng nhất để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh; “Phải trông ở thực lực” của chính bản thân mình, phải dựa vào nhân dân. Nhân dân không chỉ là lực lượng với tư cách số đông người, mà quan trọng hơn đó là lực lượng có trí tuệ, không ngừng vươn lên làm chủ và ngày càng biết làm chủ, ý thức ngày càng rõ hơn trọng trách của mình đối với các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối với việc duy trì và gìn giữ nền hòa bình của đất nước và của nhân loại.
Trong bối cảnh thế giới đương đại có nhiều điểm mới về vai trò của người dân, của quần chúng nhân dân trong thực hiện dân chủ trực tiếp về vấn đề duy trì và gìn giữ hòa bình, nhân dân chính là lực lượng quyết định sự tồn vong hay hưng thịnh cho cả cộng đồng dân tộc, cũng như đối với sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới.
Lực lượng vũ trang là lực lượng trực tiếp và đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ nền hòa bình bằng đấu tranh vũ trang. Lực lượng vũ trang đủ mạnh luôn tạo ra sự răn đe cần thiết đối với những thế lực phá hoại hòa bình. V.I. Lênin là người đã nhận thức rất sâu sắc và rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ nền hòa bình của nước Nga Xôviết non trẻ sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
Ông chỉ rõ: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên một luận điểm quan trọng: “Muốn đánh giặc, phải có quân đội”, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của quân đội kiểu mới bảo vệ nền hòa bình, bảo vệ đất nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Hiện nay, lực lượng vũ trang có những phát triển mới cả về tổ chức và vai trò trách nhiệm đối với việc duy trì và gìn giữ hòa bình. Những tổ chức vũ trang như “quân đội đa quốc gia”, “quân đội có chức năng gìn giữ hòa bình thế giới”, “Interpol”, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... ngày càng có vai trò, chức năng quan trọng trong thực hiện duy trì và gìn giữ hòa bình bằng phương thức vũ trang. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò, chức năng đó cũng dễ bị các thế lực hiếu chiến, các cường quốc trên thế giới thao túng, làm suy giảm ý nghĩa tích cực, tiến bộ trong thực hiện “sứ mạng hòa bình” của nó.
Đồng minh ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của từng quốc gia, dân tộc, khu vực và thế giới. Trong thực tiễn, những liên minh kinh tế, chính trị, quân sự... đóng vai trò hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh chung. Đối với từng quốc gia, dân tộc, vấn đề đồng minh thực chất là tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lực lượng trong nước với lực lượng quốc tế để duy trì và gìn giữ hòa bình. Cách mạng Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về vấn đề đồng minh. Hiện nay, vấn đề đồng minh trong gìn giữ hòa bình có nhiều nét mới, động thái mới, song cũng rất phức tạp do những kẻ nhân danh vì “đạo lý, nhân đạo và hòa bình” thực hiện tiến công các quốc gia độc lập có chủ quyền.