Quy luật về duy trì hòa bình

Lương Đàm
Quy luật về duy trì hòa bình biểu hiện ở khả năng duy trì hòa bình cho từng quốc gia cũng như khu vực, thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố cơ bản.
img-98701537451570-1699378797.jfif
Thả chim bồ câu cầu nguyện hoà bình cho toàn thế giới. Ảnh: An ninh Hải Phòng.

Một là, khả năng duy trì hòa bình phụ thuộc vào sức sống của nền chính trị và tiềm lực tổng hợp của các quốc gia, nhất là tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng. Tất nhiên, sức sống của nền chính trị và tiềm lực tổng hợp của từng nước như thế nào thì biểu hiện rất khác nhau. Có nước quan tâm vào việc gia tăng sức mạnh kinh tế, quân sự, coi đó là sức mạnh cơ bản để duy trì và giữ vững nền hòa bình của đất nước; củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội là để giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xâm lược, và đến lượt nó, muốn giữ vững hòa bình cho đất nước, nhất thiết phải ra sức củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội vững mạnh. Song, cũng có nước lại quan tâm đến sức mạnh tổng hợp từ tất cả các lĩnh vực xã hội, một phần bởi lẽ không đủ khả năng gia tăng tiềm lực kinh tế và quân sự. Thậm chí, có nước dựa hẳn vào tiềm lực của các cường quốc, vào khả năng “che chắn” từ bên ngoài...

Hai là, khả năng duy trì hòa bình phụ thuộc vào sức đấu tranh của các lực lượng hòa bình, sức thuyết phục của các đối sách hòa bình mang tính nhà nước, đặc biệt phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước. Chủ thể chính trị - nhà nước để duy trì hòa bình phải khéo léo thực hiện những đối sách phù hợp, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống chủ nghĩa đế quốc, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng hòa bình, tiến bộ, cách mạng, của nhân dân thế giới. Điều đó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn để bảo vệ hòa bình.

Ba là, khả năng duy trì hòa bình phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là vấn đề có tính quy luật và ngày càng trở nên phổ biến. Nhất là trong thế giới đương đại, khi mà vấn đề chiến tranh và hòa bình ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu, dù rằng trong những trường hợp cụ thể chỉ liên quan trực tiếp đến các bên tham chiến hoặc có nhu cầu tìm kiếm hòa bình. Các yếu tố bên ngoài thông thường là các định chế quốc tế, sự hậu thuẫn của đồng minh, sự chi phối của các nước lớn...

Hiện nay, định chế Liên hợp quốc với cơ chế hoạt động để ra quyết định có chấp nhận chiến tranh, trừng phạt hay không; các tuyên ngôn, tuyên bố, công ước, hiệp định của thế giới về hòa bình; những lực lượng đồng minh có thể tham chiến hoặc giữ gìn hòa bình; hoạt động, thái độ của các cường quốc... đều là những yếu tố chủ chốt chi phối, quy định khả năng duy trì hòa bình của một nước, một tổ chức, của một số nước liên quan và khu vực nhất định.

tinngan0240558803353480-2019101683521-1699378797.jpg
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Haiti. Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh thế giới đương đại, toàn bộ những nội dung, những vấn đề có tính quy luật nêu trên đều vận động và phát triển với những biểu hiện mới. Khả năng duy trì hòa bình bằng sức mạnh tổng hợp ngày càng được quan tâm, trong đó sức mạnh chính trị - tinh thần, sự đoàn kết thống nhất quốc gia, dân tộc được các quốc gia độc lập có chủ quyền đặc biệt chú trọng, tuy vẫn không hề xem nhẹ sức mạnh kinh tế, quân sự.

Khả năng duy trì hòa bình bằng sức mạnh đấu tranh của các lực lượng hòa bình, sức thuyết phục của các đối sách hòa bình mang tính nhà nước và cuộc đấu tranh của nhân dân các nước cũng có nhiều nét mới. Các nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia hợp tác toàn cầu, thực hiện các chính sách mềm dẻo, giữ cho “trong ấm ngoài êm”, thực hiện thêm bạn bớt thù... để tăng cường khả năng duy trì hòa bình đất nước. Khả năng duy trì hòa bình phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài hiện nay là vấn đề mới, song ngày càng trở nên rất phức tạp bởi sự đa dạng, phong phú, khó dự lường của các yếu tố bên ngoài cả về mức độ, quy mô và tính chất đang quy định, chi phối đối với vấn đề hòa bình trong thế giới đương đại.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến