Bản chất của hòa bình (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Khi V.I. Lênin phát triển quan điểm về chiến tranh của Ph.Claudơvít cũng chính là khi chúng ta có được nội hàm xác đáng hơn của khái niệm chính trị mà hòa bình kế tục một cách chính thống.
logo3-20200421032944pm-1698682159.jpg
V.I. Lênin đã nghiên cứu sâu sắc về Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ảnh: Internet.

Nghiên cứu về Chiến tranh thế giới thứ nhất, V.I. Lênin đã nhấn mạnh: “Chính toàn bộ đường lối chính trị của toàn bộ hệ thống các quốc gia ở châu Âu trong mối quan hệ kinh tế và chính trị của các quốc gia đó mới là cái cần xem xét để hiểu được rằng điều tất nhiên, không thể tránh được là hệ thống ấy đã gây ra cuộc chiến tranh hiện nay”. Luận điểm này không chỉ vạch rõ bản chất chính trị của tất cả các cuộc chiến tranh, mà còn cho thấy trong trạng thái không chiến tranh, dĩ nhiên được gọi bằng cái tên hòa bình, thì sự kế tục chính trị là điều không cần phải bàn cãi.

Tiếp cận hòa bình là tiếp cận mặt đối lập của các khía cạnh cấu thành khái niệm chiến tranh như hình với bóng. Đặc trưng của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức và thường kết hợp với những hình thức đấu tranh phi vũ trang như đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh ngoại giao... thì đặc trưng của hòa bình là tổng hợp các hình thức đấu tranh vì mục tiêu chính trị, trong đó chưa cần đến đấu tranh vũ trang.

Cũng như chiến tranh, hòa bình được phân chia theo nhiều góc độ khác nhau. Có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa thì cũng có hòa bình chính nghĩa và hòa bình phi nghĩa; có chiến tranh cách mạng và chiến tranh phản cách mạng thì cũng có hòa bình cách mạng và hòa bình phản cách mạng, phản tiến bộ; có chiến tranh cục bộ và chiến tranh thế giới thì cũng có hòa bình cho một quốc gia, dân tộc và hòa bình thế giới... Trong thời đại ngày nay, hòa bình không chỉ đơn thuần là khát vọng chân chính của nhân loại tiến bộ, mà còn được hiểu là không gian diễn ra cuộc đấu tranh toàn diện, chi phối và thử thách toàn bộ sự ưu việt của một chế độ xã hội, thử thách không kém khắc nghiệt so với chiến tranh.

Tiến trình hòa bình, cũng tương tự như chiến tranh, đều phụ thuộc vào nhiều nhân tố: Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, tinh thần của người dân, và cả tiềm lực, thực lực, sức răn đe... của lực lượng vũ trang. Chế độ chính trị ngay trong hòa bình cũng phải đối mặt với những thử thách lớn để bồi bổ sức sống của thể chế quốc gia chính thống.

1588999974000-d53f7c00c79d8dac6841daf0754fe6c7-1698682425.jpg
Lá cờ Chiến thắng của Hồng quân được phất trên nóc trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã vào năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Đa phương tiện Moscow.

Hòa bình luôn là nguyện vọng và lợi ích chân chính của toàn nhân loại, song trong xã hội có đối kháng giai cấp, hòa bình thường mang tính áp đặt, không bình đẳng, không dân chủ và luôn bị gián đoạn bởi các cuộc chiến tranh. Một nền hòa bình thực sự và bền vững chỉ có thể được thực hiện khi không còn áp bức giai cấp, áp bức dân tộc. Đấu tranh cho hòa bình là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

Ngày nay, cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới phải gắn với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bành trướng và các thế lực phản động gây chiến khác', nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề hòa bình và vấn đề chiến tranh trở nên rất phức tạp, khó nhận biết, khó phân định.

Như vậy, hòa bình là trạng thái xã hội không có chiến tranh, là sự kế tục của chính trị bằng phương thức không chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị xã hội. Trong xã hội có giai cấp và nguy cơ chiến tranh trở thành thực tế, thì hòa bình là trạng thái không liên tục một cách thuần tuý, mà luôn bị gián đoạn bởi các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang. Thậm chí, ở một số quốc gia, dân tộc thường xuyên xuất hiện những “điểm nóng” xã hội - chính trị, thì có những thời kỳ mà lượng thời gian được hưởng hòa bình còn ngắn hơn so với lượng thời gian phải gồng mình chịu đựng chiến tranh.

Trong khái niệm hòa bình, cần nhấn mạnh luận đề quan trọng: hòa bình là sự kế tục của chính trị bằng phương thức không chiến tranh, vì thực chất hòa bình là một trạng thái, một phương thức vận hành của đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Phải thật ngây thơ về chính trị mới cho rằng hòa bình không liên quan đến chính trị.

Tuy các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không trực tiếp đưa ra định nghĩa hoàn chỉnh về hòa bình, nhưng luận điểm về chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực cùng lý luận về đấu tranh giai cấp đã tạo cơ sở phương pháp luận cho phép khẳng định hòa bình là sự kế tục của chính trị bằng phương thức không trực tiếp sử dụng sức mạnh vũ lực. Nhấn mạnh luận điểm này là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng, bởi cho phép chúng ta nhìn rõ được bản chất thực sự của các trạng thái hòa bình hiện tồn để có cơ sở tiến hành cách mạng không ngừng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến