Lực lượng duy trì và gìn giữ hòa bình (Phần 1)

Lương Đàm
Công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể các hoạt động đối nội, đối ngoại của nhà nước và nhân dân cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ... để tạo sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, mọi quy mô.
dien-tap-1-1699377405.jpg
Trận địa pháo phòng không nổ súng tiêu diệt mục tiêu trong cuộc diễn tập của Sư đoàn 3. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Lực lượng, sức mạnh duy trì và gìn giữ hòa bình, bảo vệ đất nước của một quốc gia phải là lực lượng của toàn dân tộc và phải dựa trên sức mạnh tổng hợp. Trước kia trong lịch sử đã như vậy, trong tình hình hiện nay lại càng như vậy, đòi hỏi các quốc gia để có thể duy trì và gìn giữ hòa bình thì phải gia tăng và phát huy lực lượng toàn dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của những người đứng đầu đất nước, phải dựa trên sức mạnh tổng hợp quốc gia, kết hợp lực lượng trong nước với lực lượng quốc tế, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để duy trì và gìn giữ hòa bình.

Nhà nước là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm pháp lý và tổ chức, huy động mọi lực lượng, mọi sức mạnh để duy trì và gìn giữ hòa bình, đồng thời hướng nền hòa bình đến giải quyết các mục tiêu chính trị được xác định. Hiện nay, vấn đề duy trì nền hòa bình còn được mở rộng ra và thể hiện ở vai trò của liên minh nhà nước, tổ chức hòa bình thế giới, tổ chức hòa bình của Liên hợp quốc...

Việc duy trì môi trường hòa bình và gìn giữ hòa bình của quốc gia, dân tộc không chỉ là trách nhiệm của một nhà nước, liên minh nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Những tổ chức, thiết chế hòa bình liên quốc gia, tổ chức hòa bình thế giới, tổ chức hòa bình của Liên hợp quốc cũng có vai trò rất quan trọng, trong không ít trường hợp còn mang tính quyết định. Quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đã dẫn đến sự ra đời các tổ chức quốc tế và khu vực về chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, văn hóa, quốc phòng, an ninh... đang tác động đến tất cả các nước, có vai trò ngày càng tăng trong giải quyết những vấn đề kinh tế và chính trị trong việc gìn giữ hòa bình chung của thế giới và khu vực.

biem-hoa-1-1699377439.jpg
Phòng, chống “diễn biến hòa bình” cả trong trường học. Ảnh: Internet.

Cùng với nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, tập hợp lực lượng và tổ chức nhân dân thành mặt trận đấu tranh gìn giữ hòa bình. Hiện nay, cách thức tổ chức và vai trò của hệ thống chính trị cũng như các tổ chức xã hội có nhiều điểm mới, chẳng hạn các tổ chức phi chính phủ (NGO), có khả năng liên kết rất rộng thành mặt trận đấu tranh gìn giữ hòa bình.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, do tác động của tình hình và sự biến động thế giới với những yếu tố như xu thế dân chủ hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới; quá trình toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin; sự phát triển của xã hội dân sự..., phong trào hòa bình của nhân dân thế giới đã có những bước phát triển mới. Các tổ chức dân chủ và tiến bộ trước đây, sau một thời gian khủng hoảng, đã củng cố lại lực lượng và hoạt động tích cực hơn.

Đặc biệt, có nhiều hình thức tổ chức, tập hợp và hoạt động xã hội mới xuất hiện, đồng thời phát triển nhanh chóng như các diễn đàn, mạng lưới, cơ chế của các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức quần chúng được hình thành ở các quốc gia, khu vực, liên khu vực và quốc tế. Song song với các thiết chế ấy còn có các diễn đàn xã hội dân sự, làm cho tiếng nói của phong trào nhân dân thế giới ngày càng ảnh hưởng quan trọng đối với các vấn đề quốc tế, lợi ích các quốc gia, dân tộc, nhất là vấn đề hòa bình.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến