Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Phần 1)

Lương Đàm
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn để xác định và cụ thể hóa những nội dung cơ bản về bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
dai-hoi-lan-thu-ix-1711462990.jpg
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng. Ảnh: Báo Nhân dân

Công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mang tính toàn diện. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX thông qua, đã khẳng định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, các nhiệm vụ cơ bản và một số giải pháp chủ yếu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung cụ thể của những vấn đề đó phản ánh kết quả công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bao gồm: “Một là, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; hai là, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ba là, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bốn là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; năm là, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; sáu là, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khẳng định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với các nội dung cơ bản như vậy là kết quả của cả quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Về bản chất, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà còn là bảo vệ mọi thành quả của cách mạng do nhân dân ta làm nên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chiều sâu lịch sử - truyền thống của dân tộc, người Việt đã luôn ý thức về giữ gìn sơn hà (lãnh thổ) luôn phải đi đôi với giữ gìn xã tắc (thể chế chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội).

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, phương hướng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng được khẳng định: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản. Theo đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được gắn với bảo vệ thành quả cách mạng dân chủ nhân dân, hướng tới cách mạng xã hội chủ nghĩa đã là vấn đề thực tiễn của bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mặc dù lúc đó khái niệm “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” chưa được định hình.

Tiếp đó, trong suốt ba mươi năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời với thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng và thống nhất đất nước, nhân dân ta đã thực hiện hàng loạt nội dung, biện pháp để Đảng, Nhà nước và các tổ chức cách mạng quần chúng không ngừng lớn mạnh, giữ gìn, phát huy và phát triển những thành tựu cách mạng đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội - đây chính là những nội hàm cơ bản của bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

anhnhahatlon44-09-46-34-624-1711463192.jpg
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại quảng trường nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Internet

Kết thúc thắng lợi các cuộc kháng chiến, cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã triển khai hàng loạt các nội dung, biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, quyền làm chủ của nhân dẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Những việc làm đó chính là thực hiện những nội dung cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Đảng ta luôn nhận rõ và đặt thực tiễn cách mạng, thực tiễn bảo vệ Tổ quốc với lý luận cách mạng, lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mối quan hệ biện chứng với nhau trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từng bước phát triển tư duy của Đảng về bảo vệ Tổ quốc là từng bước tạo nên chất lượng mới của thực tiễn sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc. Đồng thời, chính từ sự vận động của thực tiễn bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã làm xuất hiện sự phát triển lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, trực tiếp nhất là sự vận động của thực tiễn bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau khi cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện phải vượt qua những sóng gió ghê gớm của cơn khủng hoảng ở Liên Xô, Đông Âu vào nửa cuối thế kỷ XX. Song, việc đứng vững trước những thứ thách nghiêm trọng ấy đã làm cho Đảng ta có bước phát triển đột phá toàn diện về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VII. Hội nghị chỉ rõ: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; ngăn ngừa, đập tan âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Đến đây, lý luận về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn khẳng định bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6 năm 1996) tiếp tục khẳng định và làm rõ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc đã xác định. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (tháng 4 năm 2001) xác định rõ hơn mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Như vậy, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đại hội IX xác định có nội dung rộng lớn, toàn diện. Đây chính là tiền đề để Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX phát triển lý luận về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nội dung rộng lớn, toàn diện, thể hiện tính cách mạng triệt để, chủ động trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đó là: bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ biện pháp để Đảng, Nhà nước và các tổ chức cách mạng quần chúng không ngừng lớn mạnh, giữ gìn, phát huy và phát triển những thành tựu cách mạng đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội - đây chính là những nội hàm cơ bản của bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết thúc thắng lợi các cuộc kháng chiến, cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã triển khai hàng loạt các nội dung, biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, quyền làm chủ của nhân dẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Những việc làm đó chính là thực hiện những nội dung cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến