Phòng, chống và xử lý tình huống bạo loạn lật đổ

Thực hiện tốt các biện pháp trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” cũng chính là thiết thực, chủ động phòng, chống những mầm mống dẫn tới bạo loạn lật đổ. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo loạn lật đổ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta còn phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt mọi hoạt động của địch, phán đoán chính xác tình huống chúng có thể gây bạo loạn.
yeu-nuoc-1715700352.jpg
Phòng chống “diễn biến hòa bình” tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Thủ đoạn thông thường của lực lượng gây bạo loạn là lợi dụng những kẽ hở trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, núp dưới những vỏ bọc như hội đoàn, tổ chức cứu tế, cứu nạn, cứu trợ đói nghèo, dạy chữ, hỗ trợ kỹ thuật trong canh tác, tham gia các lễ hội truyền thống… để tuyên truyền kích động chống chế độ, lôi kéo, tập hợp lực lượng, ly gián giữa Đảng với nhân dân, tiến tới vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Những hoạt động đó dù xuất hiện ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hình thức, màu sắc nào, chúng ta cũng phải lập tức tìm cách vạch trần trước dư luận quần chúng, dùng áp lực quần chúng tẩy chay, đả phá, triệt tiêu từ trong trứng nước.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong bộ máy của Đảng, Nhà nước cũng như trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội... từ cấp trung ương đến cơ sở cần được hết sức coi trọng, tuyệt đối không để những phần tử cơ hội, xét lại, có khuynh hướng xã hội dân chủ... chui sâu, leo cao vào tổ chức.

Bởi vì, đây là những kẽ hở mà kẻ địch dễ luồn lách, móc nối, mua chuộc cán bộ ta, tiến tới cài cắm, xây dựng tổ chức phản động ngầm, tạo dựng “ngọn cờ” của chúng ngay trong nội bộ ta, sẵn sàng gây bạo loạn.

Phương án phòng, chống bạo loạn ở các cấp cần được tổ chức chu đáo, đặc biệt là dự kiến sẵn các phương án đối phó ở những địa bàn trọng điểm, thường xuyên luyện tập thuần thục và điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho sát với tình hình.

Lực lượng chống địch gây bạo loạn lật đổ ở các cấp có lực lượng chính trị và lực lượng quân sự. Trong lực lượng chính trị có lực lượng rộng rãi của quần chúng, lực lượng nòng cốt và lực lượng chuyên trách. Trong lực lượng quân sự có lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng vũ trang cơ động. Khi có nguy cơ xảy ra hoặc đã xảy ra bạo loạn lật đổ, dù ở bất kỳ quy mô, hình thức nào, chúng ta cũng phải chủ động kiên quyết trấn áp; đánh đúng lúc, đúng thời cơ, đúng đối tượng, trúng nhóm đầu sỏ; giải quyết hậu quả nhanh, không để mở rộng, kéo dài.

quan-doi-1715700352.jpg
Tiếp tục xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng

Thời cơ dẹp bạo loạn tốt nhất là ngay sát trước “giờ G” của địch. Trong trường hợp bạo loạn đã nổ ra thì phải dẹp ngay khi chưa kịp lan rộng. Xử lý bạo loạn lật đổ một cách nhanh, gọn có ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội..., nhất là về chính trị, bởi góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang.

Việc xử lý bạo loạn lật đổ cần đặc biệt chú ý tổ chức tốt việc phòng, tránh và đánh trả có hiệu quả đối với tình huống bạo loạn vũ trang, và nhất là các đòn tiến công của địch can thiệp từ bên ngoài. Trước khi tung lực lượng phản ứng nhanh vào, chắc chắn địch sẽ dùng hỏa lực đánh phá trên đất ta rất ác liệt, nếu ta không phòng, tránh, đánh trả tốt, khi địch vào, ta sẽ rất khó đối phó. Việc đánh trả không quân, hải quân, tên lửa hành trình... của địch trong giai đoạn này phải được tổ chức hết sức chu đáo và có trọng điểm.

Khi địch thực hành đổ bộ lực lượng phản ứng nhanh vào đất ta, dù trong hoàn cảnh nào, các lực lượng vũ trang ta vẫn phải tập trung nhanh chóng tiêu diệt lực lượng đang bạo loạn ở bên trong, nhất là giành lại những mục tiêu chiến lược mà chúng đã chiếm. Cùng lúc đó, cần tổ chức bao vây, chia cắt lực lượng địch từ bên ngoài vào, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, không cho chúng hợp quân hoặc có điều kiện hỗ trợ cho bạo loạn.

Đồng thời, ngay lập tức cần đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao để vạch mặt kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, đòi địch phải nhanh chóng rút lực lượng phản ứng nhanh của chúng về nước, để người Việt Nam giải quyết công việc nội bộ của Việt Nam. Vừa chống bạo loạn và lực lượng can thiệp vũ trang từ bên ngoài, chúng ta vừa phải khẩn trương chuẩn bị đối phó với khả năng tình huống này chuyển hoá thành tình huống chiến tranh xâm lược nước ta dưới những quy mô, hình thức khác nhau.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến