Xây dựng môi trường hoà bình và sẵn sàng xử lý tình huống chiến lược

Xây dựng môi trường hoà bình là đích đến căn bản nhất của việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
doingoai-1715699324.jpg
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đối ngoại là bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chính sách. Ảnh: Báo Công thương

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chính sách rộng mở theo hướng đa dạng hoá, đa phương hóa, tích cực hội nhập với khu vực và cộng đồng quốc tế, tăng cường hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chính sách đó tác động tích cực mạnh mẽ đến việc xây dựng và thực hiện chiến lược quốc phòng của nước ta; song, nếu chúng ta không thường xuyên cảnh giác cách mạng thì cũng rất dễ bị chủ đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng để phá hoại bằng “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

Mặt khác, giải quyết vấn đề chiến tranh và hoà bình trong thế giới đương đại được thể hiện trực tiếp ở nhận thức và xử lý các tình huống chiến lược, không những đối với tình huống thuộc phạm trù chiến tranh mà còn với những tình huống thuộc phạm trù hoà bình. Bởi lẽ, các tình huống có mối quan hệ chặt chẽ, đan xen nhau, chuyển hoá lẫn nhau, tình huống nào xảy ra trước cũng đều có thể tạo tiền đề cho tình huống sau, và tình huống xảy ra sau đều có thể tận dụng và phát huy kết quả tình huống trước.

Hơn nữa, các tình huống cũng không nhất thiết xảy ra theo một thứ tự cố định và cũng không nhất thiết xảy ra đồng loạt. Điều quan trọng nhất ở đây là, nếu chúng ta xử lý không tốt, dù xảy ra theo cách nào thì địch vẫn có thể tiến tới đạt được mục tiêu chiến lược của chúng là xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bản chất của chủ nghĩa đế quốc là cực kỳ phản động và tàn bạo, khi cần đạt mục đích chiến lược sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, kể cả thủ đoạn hèn hạ nhất.

Do đó, chúng ta không được mơ hồ mất cảnh giác; không phải chỉ lo phương sách chống các tình huống nói trên mà còn phải sẵn sàng ứng phó nhiều tình huống khác chưa thể dự báo hết. Như thế mới không bị bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược, hoặc nếu bị động thì cũng có khả năng nhanh chóng lấy lại được tình thế.

img2764-16696076004681955064590-1715699324.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng chính sách đối ngoại chủ động tạo môi trường hòa bình, ổn định và lợi thế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mọi hoạt động đối ngoại phải phối hợp với hoạt động của các ngành, lĩnh vực hữu quan nhằm chủ động tạo môi trường hòa bình, ổn định và lợi thế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các lĩnh vực đối ngoại kinh tế, văn hoá, xã hội... và đối ngoại quốc phòng - an ninh phải vừa nâng cao được kết quả, hiệu quả của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể theo phương châm “thêm bạn, bớt thừ”, vừa cùng nhau đấu tranh ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, trước hết là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

Phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực, nhất là trong khối ASEAN, bởi kinh nghiệm lịch sử đối ngoại và liên minh trên thế giới cho thấy “nước xa khó cứu được lửa gần”. Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là phát huy tác dụng của các diễn đàn khu vực, xây dựng liên minh ngay từ khu vực để tạo áp lực ngăn ngừa và chặn bàn tay của những thế lực đang mưu toan lấn chiếm lãnh thổ nước ta, can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Hơn nữa, việc thắt chặt mối quan hệ với chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực, tạo cơ hội tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau còn là tiền đề thuận lợi để giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại, nhất là vấn đề biển, đảo, biên giới đất liền, bằng thương lượng hòa bình. Trong công tác đối ngoại, cần triệt để khai thác, tận dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn với nhau hay giữa nước lớn với những nước khác trong khu vực và trên thế giới, để “thêm bạn bớt thù”.

Điều đó không chỉ giúp ta giải quyết bài toán đối tượng - đối tác trong đối ngoại, mà còn tranh thủ được thêm nhiều lực lượng đồng tình, ủng hộ ta. Việc thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình không chỉ tạo lợi thế cho sự nghiệp xây dựng đất nước, mà còn làm cho nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam không ngừng phát triển cả về thế, thời và lực có sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, đủ khả năng xử lý có hiệu quả mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập, cần tích cực tham gia hoạt động ở các diễn đàn quốc tế, trước hết là tăng cường hợp tác và đấu tranh trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết, cũng như các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại bằng mọi hình thức, phương tiện có thể, để qua đó quảng bá chính sách hoà bình, nêu cao chính nghĩa của ta, đấu tranh vạch trần những thủ đoạn phản nhân văn của các thế lực thù địch, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới.

Mặt khác, phải chuẩn bị sẵn sàng và ngày càng hoàn thiện các phương án đấu tranh về mặt pháp lý để góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên diễn đàn quốc tế trong từng tình huống cụ thể.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến