Mô hình tổng quát của nền quốc phòng toàn dân

images1339621-1-1719506088.jpg
Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ảnh: Internet

Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam thì Quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là quan điểm cơ bản chỉ đạo việc xây dựng nền quốc phòng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thuộc trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó các lực lượng vũ trang là nòng cốt.

Nội hàm của khái niệm nói trên đã khái quát những điểm cơ bản hợp thành mô hình tổng quát nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam. Trong đó bao hàm ba bình diện cơ bản nằm trong một chỉnh thể thống nhất.

Một là, các yếu tố cấu thành mô hình gồm: toàn dân, toàn diện; thuộc trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Hai là, mối quan hệ của các yếu tố cấu thành mô hình gồm: đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; do nhân dân làm chủ, vì nhân dân, của nhân dân; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Ba là, tính hướng đích của mô hình gồm: giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mô hình tổng quát của nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam hiện nay, nhìn dưới góc độ cơ sở lý luận - thực tiễn vấn đề chiến tranh và hòa bình, phản ánh thành mô hình tư duy về cách thức, biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới, nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Xác định mô hình phù hợp cho phép xây dựng nền quốc phòng không chỉ đủ sức giữ vững ổn định trong hòa bình mà còn sẵn sàng đối phó với chiến tranh, đánh bại kẻ thù xâm lược dưới bất cứ hình thức nào, bằng bất cứ loại hình chiến tranh nào. Trong mô hình tổng quát đó đã thể hiện những quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về chiến lược quốc phòng trong nền quốc phòng toàn dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chiến lược quốc phòng là chiến lược phòng thủ quốc gia trong từng thời kỳ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, các lực lượng vũ trang nhân dân ta là nòng cốt; nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan mọi âm mưu, hành động chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng gây ra chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức; bảo đảm cho đất nước có hòa bình, ổn định, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chiến lược quốc phòng của nước ta là sự cụ thể hóa đường lối chính trị, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng ta trong việc xây dựng, tổ chức, động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là chiến lược phòng thủ quốc gia theo tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động và kiên quyết đối với mọi đối tượng, trong cả thời bình và thời chiến.

Đặc trưng của mô hình tổng quát nền quốc phòng toàn dân ở nước ta là tính tổng hợp cao, tính toàn dân, toàn diện, tự vệ chính đáng, gắn chặt giữa xây dựng đất nước với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, do đó được hoạch định dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến