Trong trường hợp chiến tranh không trực tiếp tiếp xúc, địch sẽ không đưa lục quân vào mà tiến hành bao vây phong tỏa, tiến công hỏa lực và tiến hành các hình thức chiến tranh phi truyền thống nhằm mục đích “làm cho đối phương mềm ra” để cuối cùng phải chấp nhận những điều kiện do chúng áp đặt. Cách xử lý chủ yếu của chúng ta với trường hợp này là tổ chức thật tốt việc phòng, tránh và đánh trả địch có trọng điểm; giữ vững sự ổn định đời sống, tư tưởng, tâm lý của nhân dân và hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, thông tin liên lạc, bảo đảm hậu cần ở các cấp; đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống khác tiếp theo.
Trong trường hợp địch tiến hành kiểu chiến tranh trực tiếp tiếp xúc, chúng ta cần dựa chắc vào thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) đã được xây dựng từ thời bình, chuyển toàn bộ đất nước sang thời chiến, phát động toàn dân tiến hành chiến tranh toàn diện, đánh địch khắp nơi, trên mọi môi trường, mọi vùng chiến lược.
Cần vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, kết hợp với tác chiến bằng vũ khí hiện đại; thực hành bao vây, chia cắt triệt để; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn ngay từ đầu, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; kiên quyết giữ vững những mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao để vạch mặt kẻ thù, nêu cao chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ nước địch, đòi chúng chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Dù đối phó với kiểu chiến tranh xâm lược nào của địch, chúng ta cũng phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo là: Cố gắng thắng địch trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đánh lâu dài. Trong quá trình xử trí tất cả các tình huống chiến lược, cần hết sức chú ý rằng kẻ địch đồng thời có thể gây ra xung đột vũ trang, tranh chiếm, lấn chiếm trên biên giới đất liền hoặc trên biển, đảo của nước ta.
Đối với trường hợp này, chúng ta phải theo dõi sát mọi diễn biến, chỉ huy chặt chẽ, chi viện thoả đáng và kịp thời về mọi mặt, phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết chiến đấu giữ vững mục tiêu; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao, khai thác, tận dụng luật pháp, công pháp quốc tế, đòi chúng phải ngừng ngay những hành động trái phép đó. Đương nhiên, để cho việc xử trí có hiệu quả, tất cả các địa bàn biên giới, biển, đảo phải được đầu tư chuẩn bị đến mức cao nhất ngay từ thời bình.
Trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, vấn đề dự báo các tình huống chiến lược có thể xảy ra là hết sức quan trọng. Đó là một trong các cơ sở để hoạch định chiến lược quốc gia; chủ động đề ra các chính sách và giải pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân; chủ động chuẩn bị cũng như thực hành đấu tranh giành thắng lợi khi tình huống xảy ra.
Trước các biến động của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự trên thế giới và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, việc dự báo sự phát triển mới của các tình huống chiến lược là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách khoa học toàn diện, biện chứng, khách quan.
Các tình huống chiến lược được dự báo có liên quan trực tiếp đến chiến tranh và hòa bình được khái quát lại bao gồm: Tình huống “diễn biến hòa bình” (tương ứng với trạng thái hòa bình), tình huống bạo loạn lật đổ trong đó có bạo loạn vũ trang (sự giao thoa giữa chiến tranh và hòa bình), tình huống xung đột, nội chiến và chiến tranh (tương ứng với trạng thái chiến tranh).
Tuy là tình huống có thể diễn ra một cách khách quan, song có diễn ra hay không, diễn ra cấp độ nào, phạm vi nào, tính chất nào lại phụ thuộc vào chủ thể chính trị trong nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Thực tiễn nhận thức, giải quyết của hệ thống chính trị, của nhân dân và nhất là của lực lượng vũ trang ta về chiến tranh và hòa bình, về xây dựng nền quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc cơ bản là đúng hướng, song các vấn đề nhạy cảm về chiến tranh và hòa bình vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và sâu sắc, thậm chí còn có sự ngộ nhận, dẫn đến thiếu trách nhiệm.
Công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa gắn với vấn đề chiến tranh và hòa bình cũng đạt được nhiều thành tựu về lý luận bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, song tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình còn có hạn chế. Thực trạng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cơ bản đã gắn với nhận thức và giải quyết vấn đề chiến và hòa bình, song vẫn thiếu hụt về tri thức lý luận và ít cập nhật sự phát triển mới.
Từ những khía cạnh lý luận và thực tiễn trên, vấn đề đặt ra cho quốc phòng Việt Nam về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh hiện nay gồm nhiều nội dung: Gắn với đổi mới, phát triển tư duy lý luận về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh; gắn với đổi mới tổ chức hoạt động thực tiễn quốc phòng - an ninh; gắn với đổi mới, phát triển công tác giáo dục quốc phòng - an ninh; gắn với xây dựng môi trường hoà bình và sẵn sàng xử lý tình huống chiến lược.